Phê duyệt cây dừa là cây công nghiệp chủ lực quốc gia

21:35' - 29/01/2024
BNEWS Tại Bến Tre, cây dừa được ví như cây “hồn cốt” của người dân nơi đây, với diện tích hơn 78.000 ha, kim ngạch xuất khẩu ước hơn 300 triệu USD/năm và hơn 70% người dân có kinh tế liên quan đến cây dừa.

Ngày 29/1, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, cây dừa vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong phát triển cây dừa tại tỉnh Bến Tre.

 

Theo ông Huỳnh Quang Đức, tại Bến Tre, cây dừa được ví như cây “hồn cốt” của người dân nơi đây, với diện tích lớn nhất cả nước là hơn 78.000 ha, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 300 triệu USD/năm và hơn 70% người dân có kinh tế liên quan đến cây dừa. Do đó, việc cây dừa được xem là cây công nghiệp chủ lực quốc gia sẽ mang lại vị thế, tầm vóc, ngành dừa Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng được nâng lên tầm cao mới kể cả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ dừa Việt Nam được đề cao và cơ hội thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế rộng mở. Các hoạt động kinh tế- xã hội, văn hoá, dịch vụ liên quan đến dừa như: du lịch, sản xuất sản phẩm OCOP, nuôi trồng xen, chế biến…có nhiều triển vọng, cơ hội phát triển tốt hơn. Đặc biệt, ngành dừa tại Bến Tre sẽ được tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển cấp quốc gia. Mặc khác, trước ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, cây dừa trở thành cây chủ lực trong điều kiện thích ứng giai đoạn hiện nay, nếu có chính sách đầu tư phát triển khi đó cây dừa.

Ông Nguyễn Văn Tám, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) chia sẻ, gia đình ông kinh tế chủ yếu từ 8.000 m2 đất trồng dừa khô nguyên liệu, những năm gần đây giá dừa xuống thấp, thu nhập từ cây dừa giảm dần. Theo ông Tám, người dân vui mừng vì cây dừa trở thành cây công nghiệp của quốc gia, khi đó người dân sẽ được hưởng lợi từ các chính sách phát triển ngành dừa, kinh tế người dân sẽ phát triển bền vững nhờ cây dừa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tổng diện tích liên kết chuỗi giá trị đối với cây dừa là 23.747 ha, chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre; trong đó, diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 18.525 ha và triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung với diện tích 2.202,69 ha. Trong số đó, có 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 2.162,69 ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 40 ha. Đặc biệt trong năm 2023, trái dừa tươi đã nhận được tín hiệu đáng mừng khi 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc công bố cho phép nhập khẩu trái dừa tươi.

Cây dừa - là 1 trong 6 loại cây được phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, theo đó đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195-210 nghìn ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170-175 nghìn ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16-20 nghìn ha, còn lại 9-15 nghìn ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...

Cùng với đó, chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa Xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất; với vườn dừa nuôi xen, cần phải được quản lý theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại các tỉnh gồm Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng..., vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tại các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch; xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất; tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Về chế biến, ngành dừa sẽ phát triển chuyên sâu 2 dòng sản phẩm, gồm dừa chế biến và dừa tươi. Các địa phương phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới như: than không khói, than sinh học, than hoạt tính gáo dừa, cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp... Phát triển hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản chế biến từ dừa. Đồng thời, đào tạo nguồn lao động về chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, thiết bị và công nghệ mới, thiết kế mẫu mã, thị trường tiêu thụ... để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục