Phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát

17:54' - 16/05/2017
BNEWS Tiềm năng, năng suất của khu vực duyên hải miền Trung là rất lớn, đặc biệt là vùng duyên hải Bắc Trung bộ phát triển về nuôi tôm thẻ chân trắng.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát được tổ chức tại Hà Tĩnh ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các tỉnh duyên hải miền Trung là đơn vị đứng sau khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nuôi tôm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Công Tường-TTXVN

Hiện Chính phủ có chủ trương chỉ đạo chung về phát triển ngành công nghiệp tôm với một mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu từ 8 tỷ USD đến 10 tỷ USD trở thành một ngành công nghiệp bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các tỉnh duyên hải miền Trung có thuận lợi như nguồn nước mặn rất sạch và thị trường khá tốt để phát triển nghề này vì đây là vùng đô thị, vùng du lịch và tôm cho năng suất cao.

Tuy nhiên, vùng duyên hải miền Trung là vùng chịu tác động của các yếu tố thời tiết, chịu thiên tai bão, lũ ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng và chịu rủi ro cao.

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh duyên hải miền Trung rà soát diện tích có thể nuôi được tôm theo hướng không vi phạm đất rừng ven biển, phải bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu và không xung đột với quy hoạch các đối tượng nuôi khác.

Đối với các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để cùng phát triển về con giống, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm, quy mô để hỗ trợ lẫn nhau và liên kết với người dân cùng phát triển. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành có quy hoạch vùng nuôi và tổng kết các mô hình và đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp cho các vùng nuôi tôm.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có diện tích nuôi tôm nước lợ gần 696.000 ha, tổng sản lượng đạt trên 657.000 tấn xuất khẩu sang 90 thị trường ngoài nước và đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Riêng đối với 14 tỉnh duyên hải miền Trung nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 3.734ha, sản lượng đạt gần 42.000 tấn, nuôi tôm trên cát góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Trong thời gian gần đây khu vực duyên hải miền Trung phát triẻn mạnh về nuôi tôm trên cát, tính từ năm 2010 tổng diện tích nuôi tôm trên cát từ 2.381 ha nhưng đến năm 2016 đã lên đến 3.734 ha. Sản lượng nuôi tôm trên cát tăng rất mạnh, trong đó nhiều địa phương nuôi tôm cho năng suất cao như Quảng Nam , Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Sau sự cố môi trường biển xảy ra đã làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế biển; trong đó, có ngành nuôi trồng thủy, hải sản của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung. Ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm trên cát đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau sự cối môi trường biển do tôm chết và tiêu thụ rất kém.

Để phát triển nuôi tôm trên cát một cách bền vững và lâu dài trở thành ngành kinh tế mạnh trong khu vực, đại diện Tổng cục thủy lợi cho rằng, hiện nay việc phát triển nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh duyên hải miền Trung đều mang tính tự phát nên chưa có quy hoạch tổng thể và quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm nên thường xảy ra dịch bệnh.

Đối với các vùng nuôi tập trung cần có hệ thống giám sát môi trường và có hệ thống thủy lợi đảm bảo. Hiện tại, Tổng cục Thủy lợi đã có quy hoạch thủy lợi cho các tỉnh duyên hải miền Trung đáp ứng về nước ngọt, nước mặn trong nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội nghị nhiều doanh nghiệp cho rằng, nuôi tôm trên cát nên triển khai nuôi ao bạt dễ xây dựng và triển khai nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ cao. Nuôi ao bạt có thể sử dụng cả nước ngầm và nước biển tùy theo từng vùng, đặc biệt nước biển có độ mặn cao, có lượng kiềm đủ nên tôm lột xác bình thường, lên màu đẹp.

Bên cạnh những thuận lợi về phát triển nuôi tôm trên cát thì các tỉnh duyên hải miền Trung gặp những khó khăn như: khí hậu khắc nghiệt, hằng năm thường xảy ra thiên tai, bão, lũ, hạn hán. Ngoài ra, các tỉnh Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đến việc nuôi tôm trên cát.

Các tỉnh duyên hải miền Trung có tiềm năng vùng ven biển có diện tích đất cát nhiều ước khoảng 12.000 đến 14.600 ha nên rất thuận lợi cho phát triển nuôi tôm trên cát vừa góp phần sử dụng đất bạc màu, hoang hóa vừa xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng ngày, Bộ trưởng và các đại biểu đã đi kiểm tra, tham quan các mô hình nuôi tôm trên cát tiêu biểu ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục