Phát triển bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc

16:28' - 03/08/2022
BNEWS Cả nước có khoảng 1,17 triệu ha cây ăn quả; trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 266.000 ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả của toàn miền Bắc.

Ngày 3/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc”.

 

Theo thống kê năm 2021, cả nước có khoảng 1,17 triệu ha cây ăn quả; trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 266.000 ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả của toàn miền Bắc. Đây là vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, khu vực này đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn, có liên kết chuỗi, đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại tỉnh Sơn La, giai đoạn 2015 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ước đạt 82.815 ha; trong đó, diện tích cây ăn quả áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP khác đạt trên 1.500 ha.

Tỉnh có diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là 241 mã với hơn 3.865 ha; 156 chuỗi quả an toàn, sản lượng gần 40.600 tấn/năm; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 25 sản phẩm OCOP được sản xuất từ hoa, quả. Năm 2021, toàn tỉnh đã xuất khẩu hơn 23.488 tấn quả các loại.

Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Sơn La và Hòa Bình sẽ hình thành và phát triển 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc.

Diễn đàn đã có 16 ý kiến tham luận về công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh vùng miền núi phía Bắc; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh miền núi phía Bắc; giải pháp giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả bền vững; vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; vấn đề mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Đại diện một số hợp tác xã của tỉnh Sơn La đã kiến nghị các cấp, ngành và tỉnh Sơn La quan tâm, tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận với chính sách về đất đai để xây dựng nơi thu gom, kho chứa, sơ chế và bảo quản nông sản; hỗ trợ kết nối thị trường, quảng bá và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số…

Tại diễn đàn, Ban Cố vấn đã trả lời 740 câu hỏi của đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, hợp tác xã, nông dân liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững, mở rộng thị trường xúc tiến thương mại, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, xây dựng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất vùng nguyên liệu chế biến…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng, Diễn đàn đã đánh giá đầy đủ thực trạng tình hình phát triển sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc phát triển cây ăn quả trong khu vực sẽ giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Cùng đó, các tiến bộ kỹ thuật mới sẽ được áp dụng vào sản xuất trên quy mô lớn như giống mới, rải vụ, cơ giới hóa, áp dụng quy trình thâm canh, VietGAP, hữu cơ, sản xuất đạt chất lượng xuất khẩu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sơ chế, bảo quản, đóng gói, liên kết tiêu thụ...

Ngoài ra, diễn đàn cũng đã giúp cho người sản xuất và nông dân hiểu rõ hơn về các yếu tố kỹ thuật cần tác động trong quá trình sản xuất; các biện pháp tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; các chính sách của nhà nước và địa phương để phát triển sản xuất.

Đồng thời, kết nối sự tham gia của chính quyền, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp trong việc chỉ đạo điều hành, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả.

Trước đó, ngày 2/8, Đoàn đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng nhãn chín muộn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn Chiềng Mung ở tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn; mô hình nho đen không hạt, nho sữa và nghệ bọ cạp của Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh tại xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục