Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh

14:27' - 20/02/2020
BNEWS Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức Hội thảo "Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh".

Hội thảo Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Sáng 20/2, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức Hội thảo "Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh" nhằm chia sẻ các kết quả đánh giá ảnh hưởng hội nhập tới ngành chăn nuôi và các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững.

Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong Top 10 quốc gia sản sản xuất thịt lợn với sản lượng móc hàm đạt 2,8 triệu tấn (2018), sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Brazil, Nga. Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia tiêu dùng thịt lợn với tiêu dùng đạt 2,7 triệu tấn móc hàm. Những năm trước đây, chăn nuôi lợn tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy trên 5,9 triệu con lợn với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước.

Do không có số liệu thống kê chính xác trong số lợn tiêu hủy trên có bao nhiêu lợn nái, trong khi đây là đối tượng phát triển sản phẩm thương phẩm trong tương lai, nên để đánh giá tác động của dịch bệnh tới cung cầu ngành hàng lợn, nhóm nghiên cứu của IPSARD đã xây dựng hai kịch bản mô phỏng dựa trên đàn nái. Cụ thể: kịch bản 1 với đàn nái bị thiệt hại 10% (tương đương khoảng 580.000 con) và kịch bản 2 với đàn nái bị thiệt hại 20% (tương đương 1.160.000 con).

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Bộ Môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, đại diện nhóm nghiên cứu, cùng với các kịch bản nền về sự tăng trưởng GDP, CPI, dân số, tỷ giá, giá nguyên liệu thức ăn… nhóm nghiên cứu chỉ ra, dịch tả lợn châu phi có tác động trực tiếp đến nguồn cung thịt lợn trong nước, có thể làm giảm từ 20% (kịch bản 1) đến 35% (kịch bản 2) tổng cung thịt lợn nội địa tính đến năm 2020.

Nếu không xảy ra dịch, dự báo sản lượng thịt lợn theo kịch bản cơ sở đến năm 2020 sẽ là 3,9 triệu tấn. Với kịch bản 1 xảy ra thì sản lượng thịt lợn sẽ giảm còn 3,15 triệu tấn và xuống còn 2,55 triệu tấn nếu kịch bản 2 xảy ra. Bởi, hộ chăn nuôi quy mô lớn hơn có xu hướng mong muốn tái đàn sớm với quy mô tái đàn thấp trong khi hộ chăn nuôi nhỏ có xu hướng ngược lại.

Do đó, nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh để phần nào bù đắp lượng thiếu hụt thịt lợn do sụt giảm nguồn cung nội địa gây ra. Cụ thể, nếu kịch bản 1 xảy ra, lượng thịt lợn nhập khẩu sẽ tăng lên mức 7,1 nghìn tấn (tương đương với mức tăng 29,5%) và lên mức 8,9 nghìn tấn nếu kịch bản 2 xảy ra(tương đương với mức tăng 60%).

Mặc dù tăng mạnh nhưng lượng nhập khẩu là rất nhỏ so vo với lượng cung thịt lợn nội địa. Điều này hoàn toàn có thể lý giải khi mà tiêu dùng thịt lợn có thể được thay thế bởi tiêu dùng một số loại mặt hàng thay thế khác như thịt bò, thịt gà ...

Sự thiếu hụt về nguồn cung, tăng giá của sản phẩm chính là các yếu tố gây suy giảm tiêu dùng thịt lợn trong nước. Tiêu dùng thịt lợn nội địa sẽ giảm 14,6% (kịch bản 1) giảm 25% (kịch bản 2).

Trước tình hình sản xuất trong nước, cùng với việc mở cửa thị trường, thực hiện các cam kết thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),  ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, đây là cơ hội tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Do đó, các chính sách của Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề khác; phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ… đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước.

Ông Trần Công Thắng cũng cho hay, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh: xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối. Xây dựng chiến lược thị trường rõ ràng với thị trường trong nước; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường ngách thích hợp với năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường EU, CPTPP để sẵn sàng tiếp cận thị trường này khi được cấp phép.

Người chăn nuôi cũng cần chuyên nghiệp, liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục