Phát triển chăn nuôi nông hộ hướng tới chuyên nghiệp

12:57' - 11/06/2021
BNEWS Song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái.

Tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của hàng triệu hộ nông dân trong cả nước. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái.

Chăn nuôi nông hộ như hiện nay phải giải quyết đồng bộ cả cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân vào cuộc để có hệ sinh thái chuẩn bị cho bước phát triển trong giai đoạn tới.

Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chính sách đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như thay đổi thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng từ 5-10%. Với nguồn kinh phí không lớn, nhưng chính sách đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cho an sinh xã hội và cải tạo, nâng cao năng suất đàn vật nuôi.

Các hỗ trợ như: miễn phí tinh giống vật nuôi chất lượng cao đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn thương phẩm; hỗ trợ các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học…. đã làm thay đổi nhận thức của người dân; đồng thời, cải tạo môi trường chăn nuôi để tạo ra chất đốt phục vụ cho chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.

Từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Theo đó, chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại như: con giống, chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm hữu cơ và xúc tiến thương mại cũng như phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, phải hướng tới hình thành các hợp tác xã, chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra chuỗi khép kín. Cùng đó, kết hợp chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và công nghệ cao.

Trên cơ sở kế thừa các cơ chế chính sách cũ, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho rằng, nhà nước cần tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để phù hợp với Luật Chăn nuôi, với thực tế thị trường và nhu cầu của về an toàn thực phẩm của người dân. Chẳng hạn như thực tế mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ sử dụng đệm lót sinh học là chưa phù hợp. Điều này chỉ phù hợp với mô hình chăn nuôi gia cầm, bởi đối với chăn nuôi gia cầm có thể sử dụng chuồng trại cũ và chỉ cải tạo đệm lót, nhưng đối với chăn nuôi lợn phải cải tạo lại chuồng nền xi măng sang nền đệm lót sinh học cần kinh phí rất lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục