Phát triển điện gió ngoài khơi: Thiếu quy định về đánh giá môi trường

18:21' - 18/08/2021
BNEWS Đến giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh; trong đó có phát triển năng lượng gió ngoài khơi.
Thiếu quy định về đánh giá môi trường cho điện gió ngoài khơi là thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều ngày 18/8 về Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội. Tọa đàm do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp tổ chức.

Theo TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, nhiều báo cáo trong nước và quốc tế đều nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đến giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh; trong đó có phát triển năng lượng gió ngoài khơi. 

Tuy nhiên, thực tế, điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều, chủ yếu ở giai đoạn bắt đầu triển khai. Sắp tới với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và công nghệ phát triển thì loại hình năng lượng này sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

Bà Cao Thị Thu Yến, đại diện Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam lên đến 10 GW (năm 2030) và tới 70 GW (năm 2050). Các dự án điện gió chiếm dụng nhiều diện tích biển nên có thể chồng lấn với các hoạt động khác như: dầu khí, cáp viễn thông, hoặc ảnh hưởng môi trường sống của các loài chim biển, tôm cá, san hô…

Theo bà Yến, chính sách môi trường xã hội của Ngân hàng Thế giới đưa ra các hướng dẫn môi trường cho năng lượng gió khá đầy đủ và có thể thực hiện tốt. Tuy nhiên, khi rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến đánh giá tác động môi trường thì quy định về khảo sát dự án vẫn còn vắn tắt, ngắn gọn và không có hướng dẫn chi tiết cụ thể.

Ở giai đoạn xét duyệt dự án, dù đã có các khung hướng dẫn tổng quát về báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng ở mặt sinh thái và xã hội vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến cho các báo cáo đánh giá tác động môi trường trong nước còn chênh lệch so với tiêu chuẩn quốc tế; đặc biệt chưa có hướng dẫn riêng cho điện gió ngoài khơi.

Bà Yến cũng cho biết, để đầu tư các dự án điện gió, doanh nghiệp khi xem xét quyết định đầu tư, ngoài quan tâm chi phí đầu tư, thời gian cấp phép cũng muốn nắm rõ các yêu cầu môi trường, xã hội để từ đó chủ động tuân thủ, phòng ngừa.

Liên quan vấn đề này, tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề về môi trường xã hội khi phát triển điện gió ngoài khơi.

PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Việt Nam cho hay, ở giai đoạn đánh giá môi trường sơ bộ, nếu các quy định rõ ràng, chi tiết sẽ giúp nhà nước sàng lọc các dự án “quá nâu, quá đen”, các dự án có nhiều tác động đến vùng biển, môi trường, sinh thái, đánh bắt thủy sản…

"Quan trọng nhất là khảo sát môi trường phải làm cẩn thận, đơn cử như tác động của âm thanh dưới biển với san hô và với các loài sinh vật như thế nào; phân vùng chức năng ra sao để tránh việc chồng lấn giữa phát triển điện gió, dầu khí, khai thác thủy sản…", PGS Nguyễn Chu Hồi nêu rõ.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Mai Khanh, Phó tổng giám đốc Vietsopetro cho rằng, việc quản lý tác động môi trường và giám sát của cơ quan chức năng là rất quan trọng. Đơn cử như liên quan thi công ngoài biển, các hãng trên thế giới đều có thiết bị giảm âm tác động trong quá trình xây dựng lắp đặt và chi phí rất lớn. Vì vậy, cần có các tiêu chuẩn để đánh giá tác động môi trường một cách rõ ràng hơn…

Ông Andrew Ho, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) cũng đề nghị cơ quan quản lý cần có các quy định, lộ trình đánh giá tác động môi trường cụ thể để doanh nghiệp biết và thực hiện.

Theo đề xuất của bà Cao Thị Thu Yến, báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường cần phải xác định rõ mục tiêu tổng quát và phân định phạm vi nghiên cứu rõ ràng. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chi tiết hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho điện gió ngoài khơi bằng khung riêng.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định đầu tư và giám sát; doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện. Do vậy, cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung chung theo tiêu chuẩn quốc tế và phát triển khung hướng dẫn đặc thù cho điện gió ngoài khơi…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục