Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số

16:49' - 17/05/2018
BNEWS Doanh nghiệp trong nền kinh tế số là chủ đề diễn đàn được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, nhân lễ công bố “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018”.
Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã ghi nhận những thành công và kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2017 của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với 126.859 doanh nghiệp được thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay.

Điều này giúp số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập kể từ khi có Luật doanh nghiệp năm 2000 đến này đã vượt con số 1 triệu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thì thấp hơn nhiều.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoạt động tính đến tháng 12/2017 chỉ vào khoảng 561.064 doanh nghiệp, bằng một nửa số với số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và còn cách rất xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020 theo Nghị quyết 35/NQ-CP.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp nhận định, trong năm 2017, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn tiếp diễn xu hướng doanh nghiệp nhỏ dần đi, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô nhỏ thua lỗ vẫn ở mức cao.

Điều đó cho thấy, năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhiều vấn đề quan ngại.
Nhìn chung, chất lượng doanh nghiệp năm 2017 đã có cải thiện nhưng không đáng kể.

Khoảng cách phát triển giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Nhà nước đã được thu hẹp dần.

Một số chỉ số về cơ cấu nguồn vốn, chỉ số nợ, vòng quay vốn… đã cho thấy rõ điều này.

Môi trường kinh doanh thực sự đã có những điều chỉnh góp phần đưa khu vực tư nhân xích lại gần hơn với các khu vực doanh nghiệp khác.

Với chủ đề năm là "Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số", Báo cáo cũng đưa ra những đánh giá về sự phát triển của doanh nghiệp trong những lĩnh vực ứng dụng kinh tế số như: dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử,...
Ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, có bước phát triển tích cực, giá trị sản xuất của ngành không ngừng tăng lên qua các năm, đóng góp vào GDP được duy trì ở mức trên 0,7%.

Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng tăng lên qua các năm, đến cuối năm 2016, có trên 11.000 đơn vị, chiếm trên 2,2% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tập trung chủ yếu ở các ngành liên quan đến máy vi tính, viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông, internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD. Hai ngành nghề này góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.

Trong khi đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường.
Bên cạnh sự ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các ngành nghề kinh doanh truyền thống, thì nền kinh tế số còn mở ra nhiều mô hình kinh doanh phi truyền thống ở Việt Nam, mà điển hình là dịch vụ Grab-taxi hay lĩnh vực Fintech.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi rất nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật đã không theo kịp.
Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường kỹ thuật số có thể gặp khó khăn khi áp dụng mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, có thể gây nên mâu thuẫn về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh thời đại kỹ thuật số.

Đây là những nhận định chung của hầu hết các chuyên gia có mặt tại diễn đàn và lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018.
Đề cập tới Chương trình hành động của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới, ông Lộc cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh.
Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ,ngành tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhiệm vụ nêu trên để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng các lợi thế, đồng thời giảm thiểu nững tác động tiêu cực của Cuộc cách mạng 4.0 đối với Việt Nam.
Đồng hành cùng các bộ, ngành, ông Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải có chương trình hành động cụ thể và cùng với các cơ quan Nhà nước xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, nỗ lực đổi mới sáng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục