Phát triển giá trị thương hiệu quế Văn Yên

10:21' - 08/09/2017
BNEWS Thương hiệu quế Văn Yên đang ngày càng có uy tín trên thị trường, giúp thúc đẩy sản xuất các sản phẩm từ quế của huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Với diện tích tự nhiên lớn, thổ nhưỡng và khí hậu lại phù hợp, tỉnh Yên Bái đã hình thành vùng chuyên canh quế nguyên liệu lớn nhất cả nước, trong đó cây quế được trồng tập trung nhiều nhất tại huyện Văn Yên.

Thương hiệu quế Văn Yên đang ngày càng có uy tín trên thị trường, giúp thúc đẩy sản xuất các sản phẩm từ quế của huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được coi là nơi đầu tiên xuất phát nghề trồng quế, cũng là một trong những xã có diện tích quế lớn nhất ở Văn Yên hiện nay.

Trên 75% dân số trong xã là đồng bào người Dao đã nhiều đời gắn bó với cây quế, ở Viễn Sơn hiện có diện tích quế lên tới hơn 2.500 ha. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng từ năm 2000 trở lại đây, nhờ mở rộng thị trường, sản phẩm quế ngày càng có giá trị đã giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Ông Bàn Phúc Hín – Chủ tịch UBND xã Viên Sơn, huyện Văn Yên cho biết, cả xã hiện có gần 800 hộ dân, tất cả đều tham gia trồng quế. Nhờ phát triển cây quế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm còn 30% theo tiêu chí cũ, còn tính theo các tiêu chí giảm nghèo đa chiều hiện nay, hơn 40% số hộ cũng đã vươn lên thoát nghèo; khoảng 20% số hộ trong xã có kinh tế khá nhờ loại cây trồng này.

Để góp phần tiếp tục xây dựng giá trị thương hiệu quế Văn Yên với nhiều sản phẩm đa dạng và mang lại giá trị trực tiếp cho người dân, ông Bàn Phúc Hín cho biết, tại xã Viễn Sơn, từ năm 2016 đã mở một lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ chế tác các sản phẩm từ quế đầu tiên cho 30 người. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở thêm một lớp dạy nghề nữa cho người dân trong xã, cùng với đó sẽ xây dựng xưởng sản xuất và bán trực tiếp các sản phẩm chế tác thủ công từ quế ra thị trường.

Với diện tích quế đạt hơn 40.000 ha, Văn Yên trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước hiện nay. Mỗi năm, huyện Văn Yên trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế tại tất cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn.

Hiện nay, mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế khoảng 290 tấn; gỗ quế đạt 62.000 mét vuông. Cây quế ở Văn Yên đã không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn đang giúp họ vươn lên làm giàu, là "biểu tượng" kinh tế của cộng đồng người Dao nơi đây.

Để phát triển vùng nguyên liệu quế một cách bền vững, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế, huyện Văn Yên đã đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen có quý.

Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện Văn Yên đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15 mét trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen.

Ngoài ra, huyện Văn Yên còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch.

Từ tháng 1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Văn Yên trở thành địa phương sở hữu giống quế được coi là tốt nhất hiện nay trên thị trường.

Từ khi được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, giá trị các sản phẩm từ cây quế của Văn Yên trên thị trường trong và ngoài nước đã được nâng cao, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên. Hiện nay, các sản phẩm từ cây quế của Văn Yên đã được xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường: Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu.

Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Yên đã có 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ loại cây trồng này.

Ông Đỗ Quang Trung – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, với việc phát triển giá trị thương hiệu quế Văn Yên, cây quế đang ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế, trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của người dân. Nguồn thu từ cây quế đã mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm khoảng trên 400 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại huyện vùng cao này.

Cùng với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế…

Nhằm tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng quế nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, cơ sở kinh doanh, huyện Văn Yên đã quy hoạch diện tích nhằm ổn định vùng quế chất lượng cao ở 10 xã vùng cao và ở 8 xã nằm dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua địa bàn huyện dài hàng chục km.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để phát triển sản xuất quế theo hướng hàng hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu của thị trường; gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Ông Trần Thế Hùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế. Đây là cơ sở để tiêu thụ các sản phẩm từ quế. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái sẽ cân đối giữa chế biến gắn với vùng nguyên liệu, không để sản xuất tràn lan phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu và làm giảm chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ thương hiệu quế Văn Yên.

Thị trường tiêu thụ vỏ quế của Yên Bái hiện khá ổn định, song Yên Bái vẫn chưa trực tiếp xuất khẩu được mà vẫn phải thông qua một số doanh nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh. Thời gian tới, Yên Bái sẽ tìm cách giải quyết khâu này nhằm mang lại giá trị trực tiếp cho người trồng quế.

Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm các giải pháp, tập trung việc mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng các sản phẩm từ cây quế. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để phát triển ổn định vùng nguyên liệu quế cũng như không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu quế Văn Yên đã được công nhận.

Theo đề án phát triển cây quế của tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có gần 450 ha quế trồng mới được thẩm định đủ điều kiện hỗ trợ. Theo kế hoạch, trong cả năm 2017, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ cho 900 ha quế trồng mới để ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho các sơ sở thu mua và chế biến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục