Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Bài 1: Bệ phóng hiệu quả

07:31' - 04/10/2019
BNEWS Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019”, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt mục tiêu xây dựng Thành phố “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, trong đó xác định “phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên đầu tư cho khoa học và công nghệ so với các lĩnh vực khác; gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất – kinh doanh”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, lấy hoạt động khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng tạo ra những trung tâm nghiên cứu mạnh trong từng lĩnh vực công nghiệp chủ lực.

Các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ tham quan, trao đổi về các mô hình kinh doanh khởi nghiệp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết về tình hình triển khai mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và sự lan tỏa của mô hình này, giúp hình thành cộng đồng khởi nghiệp đông đảo trên địa bàn.

Bài 1: Bệ phóng hiệu quả

Từ Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ngày 18/5/2016, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố với đầu mối là Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sihub) và các đơn vị liên quan đã nỗ lực tạo lập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy hoạt động này không chỉ tại thành phố mà ở các địa phương lân cận.

* Từ chính sách...

Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty khởi nghiệp sáng tạo, đến năm 2019, con số này là hơn 3.000.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là “ngôi nhà” của gần 50% startup trong nước và được xếp hạng là thành phố có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á.

Để có được thành quả trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Kế hoạch hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh; Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Từ các chủ trương này, nhiều đơn vị của Thành phố đã triển khai các chương trình cụ thể để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp với việc kết nối trên 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn; mạng lưới 200 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nhằm tư vấn, huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm, cung cấp vốn đầu tư cá nhân (đầu tư thiên thần)… cho các dự án có tiềm năng.

Tính đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 1.777 dự án khởi nghiệp, trong đó giúp hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh cho 310 dự án; kết nối thị trường trong và ngoài nước cho 550 lượt dự án; tư vấn tài chính cho 280 lượt dự án; phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho 920 dự án…

Cùng với đó là các Chương trình đào tạo cho giáo viên, học sinh, doanh nghiệp; hỗ trợ startup về không gian làm việc, hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh.

Trong đó, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sihub) là một nét nổi bật, bởi được thành lập vào tháng 8/2016, ngay khi phong trào khởi nghiệp được phát động.

Trung tâm có khuôn viên 2.000 m2 với 6 không gian, phòng chức năng; đủ điều kiện để hỗ trợ thành lập và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ. Mới đây, Sihub đã triển khai mô hình Innovation Lab, nhằm hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Sihub cho biết, chương trình này nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm. Thực tế cho thấy, các startup nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm thường trải qua thời gian dài mới đến được sản phẩm cuối cùng.

Quá trình đó họ tốn nhiều nguồn lực vì phải tiến hành tạo mẫu sản phẩm nhiều lần. Nhiều startup tốn rất nhiều chi phí với các doanh nghiệp cơ khí. Chính vì thế mô hình Innovation Lab sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở khâu này.

* ... đến kết quả thực tế

Nổi bật trong số các chính sách triển khai thực tế là Chương trình SpeedUp do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2017. Chương trình này hỗ trợ tối đa tới 2 tỉ đồng/dự án, với sự lựa chọn “gắt gao” của các chuyên gia và hội đồng tư vấn.

Khởi nghiệp sáng tạo là lực lượng chính của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, chương trình SpeedUp được xây dựng với mục tiêu tăng cường nguồn lực cho cộng đồng khởi nghiệp; đồng thời, kết nối các nguồn lực xã hội với sự tiếp sức của nhà nước để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, tiến tới việc xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để bắt nhịp với khu vực và thế giới trong hoạt động này.

Tính đến tháng 6/2019, SpeedUp đã tiếp nhận và đang giải quyết hỗ trợ cho 164 dự án khởi nghiệp sáng tạo của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, bao gồm cả tư nhân và nhà nước.

Trong đó, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ cho 27 dự án với tổng kinh phí trên 23 tỉ đồng (phần ngân sách hỗ trợ khoảng 15,75 tỉ đồng và phần vốn đối ứng là 7,6 tỉ đồng). Một số dự án tiêu biểu được chương trình hỗ trợ như: Teamup, Magix, Ekid, 689Cloud, Freelancer, Schoolbus...

Trong số các dự án tham gia SpeedUP,  689Cloud được xem là mô hình khá thành công, với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ Cloud Security (bảo mật điện toán đám mây) tại Việt Nam và khu vực châu Á.

Ngoài SpeedUp 2017, 689Cloud còn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, vườn ươm trong nước và nước ngoài như Vietnam Silicon, Singtel Innov8, NUS Enterprise, HOGO Inc.

Theo đại diện Dự án 689Cloud, giai đoạn đầu, 689Cloud không tham gia các cuộc thi, vì nhận thấy tập trung xây dựng sản phẩm và tìm thị trường ngách để hoàn thiện nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Khi sản phẩm đã khá hoàn thiện, 689Cloud dành thời gian để tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp ở trong nước, ngoài nước và đạt được một số danh hiệu. Với nền tảng hỗ trợ trên, hiện 689Cloud đặt mục tiêu tăng tốc trong năm 2019 và có doanh thu 1 triệu USD vào năm 2020.

Những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ đã từng bước hình thành cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn. Nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới hình thành, thu hút nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước “tiếp sức” cho các startup phát triển. N

hững “tên tuổi” trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp như Trung tâm Ươm tạo Đại học Bách khoa, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung tâm Đổi mới sáng tạo SHTP Innovation Hub; Công viên Phần mềm Quang Trung; Vietnam Silicon Valley Accelerator, Khu Công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia Thành phố...

Đây là những vườn ươm đang thực sự phát huy được ưu thế của mình trong việc ươm tạo ra những “kỳ lân” (startup giá trị lớn) tương lai cho Việt Nam và khu vực.

Đại diện Trung tâm ươm tạo Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cơ khí với không gian tiện ích cho 200 cá nhân tham gia khởi nghiệp.

Trong thời gian qua, nhà trường đã hỗ trợ trực tiếp gần 50 dự án và đã có 5 dự án khởi nghiệp, kết nối thành công để trở thành doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Đây là tiền đề quan trọng để tạo dựng các doanh nghiệp chất lượng trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Thành phố đã thành lập Ban điều hành 4 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố, gồm: Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ sinh thái cơ khí tự động hóa, hệ sinh thái nhựa cao su hóa dược và hệ sinh thái chế biến lương thực thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, thành phố luôn mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các quỹ đầy tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp để tận dùng làn sóng khởi nghiệp làm sao cho có hiệu quả. Trong đó, ưu tiên các dự án, lĩnh vực trọng điểm theo đặc thù và định hướng chung của thành phố./.

Bài 2: Kiến tạo những startup giá trị lớn 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục