Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa

11:07' - 10/11/2023
BNEWS Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

*Bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là cần thiết.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về nội dung chính của dự thảo Luật, chương I “Quy định chung” gồm 9 điều, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có một số điểm mới như: Thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1); bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 5); quy định về hệ thống giao thông thông minh (Điều 7), cơ sở dữ liệu đường bộ (Điều 8).

Chương II “Kết cấu hạ tầng đường bộ” gồm 37 điều (từ Điều 10 đến Điều 46). So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ (Điều 10); phân loại đường (Điều 11, Điều 12); quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận (Điều 15); bổ sung quy định đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 16); hành lang an toàn đường bộ (Điều 18, Điều 19)...

Chương III “Đường bộ cao tốc” gồm 14 Điều (từ Điều 47 đến Điều 60) đã có thêm các điểm mới như: Bổ sung quy định làm rõ đường bộ cao tốc (Điều 47); tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc (Điều 48); các chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc (Điều 49, Điều 50); bổ sung quy định việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc (Điều 51)...

* Bảo đảm tính thống nhất và khả thi

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, việc ban hành Luật Đường bộ sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cho rằng dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi, tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ, song đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Đi vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ (Điều 5), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại đồng bộ với phát triển phương tiện giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn tại khoản 2 cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật cho đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và các văn bản chỉ đạo của Đảng.

Đối với quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, cơ quan soạn thảo đã phân loại, quy định tỉ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ đô thị phù hợp với phân loại đô thị.

Việc quy định tỷ lệ quỹ đất tại các đô thị hiện hữu là không khả thi vì quy định này chỉ áp dụng với các đô thị xây dựng sau khi Luật có hiệu lực, việc áp dụng đối với các đô thị hiện hữu dẫn đến xáo trộn lớn về quy hoạch, xây dựng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và cần có nguồn lực tài chính đặc biệt lớn để thực hiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục