Phát triển năng lượng tái tạo ở Nhật Bản - Muộn còn hơn không
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung điện năng lên từ 22-24% vào năm 2030 nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sự tụt hậu về công nghệ cùng với những khó khăn về địa lý và thời tiết khiến Tokyo gặp khó trong việc thực hiện mục tiêu trên.
Bất chấp thực tế đó, giới phân tích cho rằng Nhật Bản không còn đường lùi bởi tương lai của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này vẫn bất định, trong khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới mục tiêu cắt giảm khí thải.
Cứ định kỳ 3 năm một lần, Chính phủ Nhật Bản lại cập nhật kế hoạch phát triển năng lượng, định hướng cho việc phát triển chính sách năng lượng trung và dài hạn của nước này. Trong kế hoạch năm 2015, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khẳng định nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Lý giải về nhận định trên, METI cho biết điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng rẻ nhất ở nước này. Chi phí sản xuất điện hạt nhân tối thiểu dự kiến sẽ tăng từ 8,9 yen/Kwh vào năm 2011 lên 10,1 yen/Kwh vào tài khóa 2030, chủ yếu do các công ty phải đầu tư để tăng độ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác (điện mặt trời là khoảng 16,4 yen/Kwh, điện gió 34,7 yen/Kwh, nhiệt điện chạy than là 12,9 yen/Kwh, nhiệt điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 13,4 yen/Kwh, thủy điện 27,1 yen/Kwh và địa nhiệt 16,8 yen).
Bên cạnh đó, theo METI, việc tăng tỷ trọng điện hạt nhân có thể giúp Nhật Bản nâng tỷ lệ tự cung-tự cấp năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là khi khu vực Trung Đông, nơi cung cấp hơn 80% lượng dầu mà Nhật Bản đang tiêu thụ, trở nên bất ổn hơn.
Ngoài ra, cùng với năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng có lượng khí thải carbon thấp, và vì vậy, đây sẽ là công cụ để giúp cho Nhật Bản thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải.
Đối với năng lượng tái tạo, do sản lượng điện mặt trời và điện gió thường không ổn định nên METI đề xuất tỷ trọng hai nguồn trong tổng cung điện năng vào tài khóa 2030 tương ứng chỉ là 7% và 1,7%.
Đối với nhiệt điện, METI đề xuất tăng tỷ trọng nhiệt điện chạy than trong tổng cung năng lượng từ 24% lên 26%, trong khi giữ nguyên tỷ trọng nhiệt điện chạy bằng LNG ở mức 27% và giảm nhiệt điện chạy dầu từ 12% xuống 3%.
Tuy nhiên, hiện Nhật Bản chỉ còn 9 trong tổng số 54 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Số lượng các lò phản ứng hoạt động có thể tiếp tục giảm sau khi Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) siết chặt các tiêu chuẩn an toàn.
Giờ đây, chi phí để nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân đáp ứng các tiêu chuẩn mới của NRA gần bằng chi phí để xây dựng lò phản ứng mới. Điều này khiến cho giá thành sản xuất điện hạt nhân gia tăng và khiến điện hạt nhân mất hẳn ưu thế về chi phí.
Trong khi đó, tình trạng bất ổn ở khu vực Trung Đông gia tăng đã khiến cho các nhà máy nhiệt điện phải đối mặt với không ít rủi ro.
Chính vì vậy, trong bản kế hoạch năng lượng mới mà nội các Nhật Bản thông qua hồi tháng 7/2018, nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, nhiên liệu hóa thạch và chuyển mạnh theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2030, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung điện năng lên từ 22-24%, năng lượng hóa thạch là 56% và điện hạt nhân là từ 20-22%.
Giới phân tích cho rằng sự suy yếu về vị thế của điện hạt nhân chính là cơ hội cho các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp năng lượng tái tạo ở Nhật Bản chưa tận dụng được cơ hội đó. Mặc dù việc sử dụng năng lượng mặt trời đang tăng nhưng tỷ trọng năng lượng tái tạo ở Nhật Bản mới đạt 7% vào năm 2016, thấp hơn con số 8% của thủy điện.
Hiện tại, điện năng sản xuất từ các loại nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 80% và tỷ lệ phát thải CO2 từ các nhà máy điện giờ đã cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra trận động đất kinh hoàng năm 2011.
Nguyên nhân chủ yếu khiến vị thế của năng lượng tái tạo vẫn thấp là do Nhật Bản đã chậm chân hơn so với nhiều nước trên thế giới trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono, trong thời gian quá dài, Nhật Bản đã "vờ như không thấy" các xu hướng trên thế giới như sự giảm mạnh về chi phí sản xuất năng lượng tái tạo và sự chuyển dịch không thể tránh khỏi sang phi carbon hóa để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ông Kono nhấn mạnh các thất bại của Nhật Bản là kết quả của “các giải pháp ngắn hạn và không dự tính trước”.
Nhật Bản là nước có tiềm năng về địa nhiệt lớn thứ ba thế giới nhưng nhiều địa điểm trong số này lại ở khu vực miền núi, nơi hệ thống truyền tải điện dễ bị hư hỏng, hoặc ở các công viên quốc gia, nơi bị quản lý chặt chẽ bởi các quy định về bảo tồn thiên nhiên.
Điều này khiến cho việc khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt trở nên cực kỳ tốn kém và mất thời gian. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có trữ lượng sinh khối rất lớn nhưng nguồn tài nguyên này không đủ để cung cấp cùng lúc cho nhiều nhà máy điện.
Riêng với thủy điện, các địa điểm có tiềm năng nhất về phát triển thủy điện quy mô lớn ở Nhật Bản đều đã được đưa vào khai thác. Vì vậy, Nhật Bản có rất ít cơ hội để phát triển thêm nguồn năng lượng này. Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai của Nhật Bản đó chính là điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, Nhật Bản vốn không phải là nước có điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời và điện gió do diện tích hẹp, địa hình chủ yếu là đồi núi và điều kiện thời tiết rất đa dạng.
Bên cạnh đó, việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo này đòi hỏi rất nhiều chi phí phát sinh như xây dựng thêm các đường dây tải điện mới, mua các hệ thống lưu điện để đảm bảo nguồn cung điện ổn định và chi phí bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện dự phòng cho các hệ thống này. Điều này đẩy giá thành sản xuất điện và giá bán điện lên cao.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Nhật Bản phải có các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.
Trong bản kế hoạch năng lượng cập nhật năm 2018, chính phủ đã khẳng định sẽ hỗ trợ phát triển thị trường bền vững cho các năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và địa nhiệt cũng như khuyến khích sử dụng hydrogen để phát điện. Tuy nhiên, bản kế hoạch không đưa ra các biện pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Hiện ở Nhật Bản, hệ thống feed-in tariff (FIT - giá bán điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho lưới điện) đã được đưa vào áp dụng từ năm 2012. Nhược điểm của hệ thống này là chuyển gánh nặng chi phí phát điện lên vai người dân.
Chỉ tính riêng trong tài khóa 2019, gánh nặng chi phí mà người sử dụng điện ở nước này phải chịu ước tính lên tới 2.400 tỷ yên (khoảng 22 tỷ USD). Nếu tính từ khi hệ thống FIT được đưa vào áp dụng vào tháng 7/2012, gánh nặng chi phí đè lên vai người dân nước này lên tới 10.000 tỷ yên. Do vậy, hiện tại, giá điện mặt trời ở Nhật Bản cao gần gấp đôi so với Đức mặc dù Nhật Bản nằm ở vĩ độ cao hơn.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng bên cạnh chính sách căn cơ, điều quan trọng là phải cải thiện ngay lập tức hệ thống FIT bởi vì giá bán là nhân tố quan trọng nhất để xác định năng lượng nào sẽ trở thành nguồn cung cấp điện năng chủ chốt trong tương lai./.
>> Năng lượng tái tạo - Bài 1: Quy hoạch “Năng lượng sạch” của EU>> Năng lượng tái tạo - Bài 2: Trung Đông dịch chuyển từ “vàng đen”
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Năng lượng tái tạo- Bài 5: Đức tiên phong chuyển đổi năng lượng xanh
20:35' - 25/07/2019
Năng lượng tái tạo đang chiếm gần 50% cơ cấu điện năng tại Đức, trong đó điện mặt trời chiếm vị trí số 1.
-
Kinh tế & Xã hội
Năng lượng tái tạo- Bài 4: Thông điệp trên mái nhà ở Israel
20:08' - 25/07/2019
Israel đã phát động một chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà với thông điệp “hãy để cho chúng làm ra tiền và giảm ô nhiễm môi trường”.
-
Kinh tế & Xã hội
Năng lượng tái tạo - Bài 3: Hình mẫu UAE
19:54' - 25/07/2019
Trong chiến lược Năng lượng đến 2050, UAE muốn tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch lên 44% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Thái Lan tiếp tục giảm mạnh sản lượng
18:05' - 25/11/2024
Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu ô tô chở khách và xe tải trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2021 khi cả doanh số bán trong nước và xuất khẩu đều giảm.
-
Kinh tế Thế giới
Malaysia tìm kiếm đối tác cho chuỗi cung ứng bán dẫn
17:39' - 25/11/2024
Malaysia đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn, qua đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các rủi ro khi Mỹ triển khai chính sách thuế quan mới.
-
Kinh tế Thế giới
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
17:24' - 25/11/2024
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Expert mới đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu
12:07' - 25/11/2024
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu và là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Địa Trung Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
12:05' - 25/11/2024
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
12:05' - 25/11/2024
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 25/11 đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN, Ấn Độ thông báo vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại song phương
09:49' - 25/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Công thương Ấn Độ mới đây thông báo vòng đàm phán tiếp theo về rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Fed: Nợ công của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính
14:29' - 24/11/2024
Theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nợ công của nước này hiện là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, vượt qua cả vấn đề lạm phát cao dai dẳng.
-
Kinh tế Thế giới
Hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam
09:26' - 24/11/2024
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương này