Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không

16:01' - 04/11/2022
BNEWS Chương trình Kỹ thuật Hàng không của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ra đời năm 2018, dựa trên sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn Airbus.

Ngày 4/11, những cử nhân tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã chính thức được ký hợp đồng lao động, về làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật Máy bay VAECO (VAECO).

Đây là khóa sinh viên đầu tiên được VAECO tuyển dụng trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng không.

Chương trình Kỹ thuật Hàng không của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ra đời năm 2018, dựa trên sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn Airbus cùng sự hợp tác với hai doanh nghiệp là Vietnam Airlines và VAECO; Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS/Bricks) cùng Liên minh gồm 40 trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của Pháp.

 

Chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không Việt Nam. 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân theo định hướng B1 tại USTH và có chứng chỉ đào tạo cơ bản bảo dưỡng máy bay mức B1 của Cục Hàng không Việt Nam sẽ được VAECO cam kết tuyển dụng.

Ông Trần Quốc Hoài, Tổng giám đốc VAECO chia sẻ: Lực lượng lao động kỹ thuật Hàng không rất đặc thù, để đào tạo được một kỹ sư Kỹ thuật Hàng không phải trải qua một quá trình gian nan từ việc học lý thuyết trong các trường đại học đến việc thực hành, phát triển nghề nghiệp tại các hãng hàng không, các công ty kỹ thuật máy bay. Vì vậy, việc hợp tác giữa Trường USTH và VAECO trong huấn luyện, đào tạo là một hướng đi đúng, góp phần đào tạo nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam.

Đối với những cử nhân đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo Kỹ thuật Hàng không tại USTH, ông Trần Quốc Hoài đánh giá: Các em đã trải qua một quá trình đào tạo bài bản, vừa học lý thuyết ở trường vừa được thực hành tại VAECO theo chương trình của Cục Hàng không Việt Nam. Do vậy, khi tốt nghiệp, các kỹ sư có nền tảng rất cơ bản cả về lý thuyết và thực hành. Qua bài kiểm tra đầu vào của VAECO, các em đã có kết quả rất tốt. Với nền tảng kiến thức đó cùng sự cố gắng của bản thân, các em có thể phát triển tốt trong ngành Kỹ thuật Hàng không.

Ông Trần Quốc Hoài chia sẻ thêm: Một số trường đại học của Việt Nam có đào tạo về Kỹ thuật Hàng không nhưng chưa có hướng đào tạo chuyên sâu. Vì vậy, sau khi tuyển dụng, các kỹ sư phải đi học thêm một số khóa bồi dưỡng cơ bản về Kỹ thuật Hàng không, từ đó mới có thể phát triển lên. Với sinh viên học chương trình Kỹ thuật Hàng không của USTH, các em được học nội dung cần thiết, rất sát với yêu cầu công việc. Đây là lần đầu tiên, VAECO tuyển dụng được lứa sinh viên đáp ứng đúng yêu cầu mà công ty mong muốn. Vì vậy, tôi tin tưởng, sau khi được tuyển dụng, các em sẽ phát triển rất nhanh.

"Ngành hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nhân lực trong ngành Kỹ thuật Hàng không còn rất thiếu. Thời gian trước mắt, nhu cầu với VAECO cần khoảng trên 100 kỹ sư/năm và trong toàn ngành cần khoảng trên 200 kỹ sư/năm. Hiện nay, mỗi khóa sinh viên theo học Chương trình Kỹ thuật Hàng không của USTH ra trường chỉ khoảng 20-30 em. Trong thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng chất lượng đào tạo, việc gia tăng số lượng sinh viên rất cần thiết", Tổng giám đốc VAECO nhấn mạnh.

Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Mô hình hợp tác đào tạo Kỹ thuật Hàng không của USTH là mô hình độc đáo tại Việt Nam và trường phải mất 4 năm để xây dựng nên chương trình này. Các đơn vị tham gia xây dựng chương trình đào tạo có VAECO là đơn vị bảo trì, bảo dưỡng máy bay, Vietnam Airlines là đơn vị vận hành bay, Airbus là đơn vị sản xuất máy bay và USTH là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này.

Với thành công bước đầu của mô hình, USTH mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được các chương trình đào tạo tương tự với lĩnh vực Khoa học - Công nghệ khác để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đầu ra cho sinh viên, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục