Phát triển nhà ở tại Hà Nội- Bài 3: Cấp bách xây dựng chương trình phát triển nhà ở

18:15' - 10/10/2022
BNEWS UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 -2030”.

Đây có thể nói là chương trình cấp thiết, nỗ lực lớn của UBND thành phố Hà Nội dựa trên rất nhiều chủ trương, đường lối và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc Hội, Chính phủ và Thành ủy Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ- TTg ngày 22/12/2021 đã xác định quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp cụ thể, quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở để tổ chức quản lý nhà nước, phát triển có kiểm soát thị trường bất động sản nhà ở.

Vì vậy, bám sát các định hướng trên, UBND thành phố đã nghiên cứu, lập kế hoạch và đề án cho chương trình phát triển nhà giai đoạn này khá công phu, chi tiết, đảm bảo sự hài hòa lợi ích, chú trọng quyền lợi của người sử dụng nhà.

Tới đây, thành phố Hà Nội sẽ phát triển nhà ở gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Thành phố coi phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, gắn với định hướng phát triển đô thị; đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận.

Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; hình thành các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh tạo điểm nhấn kiến trúc, mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Thành phố quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyên thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc có giá trị.

Thành phố Hà Nội định hướng, phát triến nhà ở cùng với quá trình đô thị hóa phải đảm bảo hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững, ổn định kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, gắn với tiến bộ và công bằng xà hội.

Phát triển nhà ở phải gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, hiện đại, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả. Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lóp dân cư.

UBND thành phố yêu cầu, các ngành song song đánh giá thực trạng phát triển nhà ở trên địa bàn đồng thời với dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng đến năm 2030, bao gồm: nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ từng giai đoạn.

Thành phố Hà Nội dự báo nhu cầu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là 89 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu m2 sàn nhà ở; 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành thực hiện trên địa bàn các quận trong khu vực nội đô lịch sử hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (trừ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư) để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng; các khu vực còn lại hạn chế tối đa phát triển nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư trong các dự đầu tư xây dựng mới nhà ở, khu đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, thích ứng với biến đổi khí hậu; các khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; trong đó, có các cơ sở y tế và giáo dục công lập, khu cây xanh (công viên, vườn hoa), khu sinh hoạt cộng đồng và chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thiết bị điện tiết kiệm năng lượng.

Về cơ chế, chính sách thành phố yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triên nhà ở; cập nhật, điều chỉnh chương trình, kế hoạch theo quy định đảm bảo phù họp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong từng thời kỳ.

Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và đất đai, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh còn lại chưa phê duyệt; lập, phê duyệt các quy hoạch liên quan đến các khu vực dự kiến phát triển thành quận và xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Băc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triến khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống.

Giải pháp về nguồn vốn, bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách thành phố; trong đó, có việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, nhà ở học sinh, sinh viên.

Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triến nhà ở thông qua nhiều hình thức như: huy động vốn của doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước…/.

>>>Phát triển nhà ở tại Hà Nội - Bài 1: Nỗ lực trong cơn khát

>>>Phát triển nhà ở tại Hà Nội: Bài 2 - Đâu là nguyên nhân?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục