Phát triển nhà ở xã hội: Bình Thuận cần nguồn vốn hơn 4.400 tỷ đồng

07:51' - 01/09/2022
BNEWS Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

 Kế hoạch này nhằm tập trung phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Kế hoạch phát triển nhà tại Bình Thuận giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng khoảng 6.660.000 m2; trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.760.000 m2 sàn.

 

Để thực hiện kế hoạch đề ra, tổng nhu cầu vốn của tỉnh sẽ cần trong giai đoạn này là 37.468 tỷ đồng; trong đó, nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 24 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây khoảng 21.425 tỷ đồng.
Dự kiến, vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội… và một phần từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình.
Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở khoảng 1.370 tỷ đồng.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, phát triển nhà ở cũng cần đa dạng các loại hình, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho người dân đặc biệt là tại khu vực đô thị; phấn đấu phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để đẩy mạnh giải pháp xây dựng nhà ở xã hội, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định để phát triển nhà ở xã hội. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội liên kết với các tổ chức tín dụng đưa ra các gói tín dụng vay vốn đối với người mua, thuê, thuê mua sản phẩm của dự án. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội, bao gồm: nguồn vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh (kể cả nguồn vốn trong nước và vốn vay ưu đãi của các tổ chức, cá nhân ngước ngoài)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục