Phát triển thị trường cho sản phẩm chủ lực

16:16' - 24/09/2015
BNEWS Theo PGS. TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành nên lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu phát triển thị trường các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

"Kể từ khi tham gia WTO, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt được những thành tựu khá tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do gặp phải cạnh tranh cao qua các FTA đã và đang ký kết như AEC, EU, TPP... "

Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Australia nhận định như vậy tại Hội thảo Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, do Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 24/9, tại Tp.Hồ Chí Minh.

Trước hàng loạt những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng tới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần xây dựng các chương trình đàm phán về tiêu thụ nông sản với các nước.

Nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật cấp quốc gia để bảo hộ mặt hàng nông sản có thể bị lép vế và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước khi hội nhập sâu rộng; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phải được công nhận bản quyền…

Lấy ví dụ từ ngành lúa gạo, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, vì chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng xuyên suốt và đồng bộ nên khi sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt đỉnh 45 triệu tấn/năm thì lại gặp những khó khăn như thiếu nhà mát lưu kho, thiếu cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ gặp khó…

Ngoài ra, việc không tuân thủ, hoặc tuân thủ nhưng mang tính chất đối phó khi áp dụng VietGap khiến cho chất lượng nông sản chưa được đánh giá cao. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chuỗi ngành hàng thực sự xuyên suốt và đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản.

Canh tác trên cánh đồng mẫu lớn tại Tiền giang. Ảnh: TTXVN

Về chính sách Nhà nước, theo Giáo sư Vọng, để đột phá trong nông nghiệp, chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách sử dụng đất đai dài hạn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Nhà nước tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ thông qua đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là khâu sau thu hoạch và chế biến, có chính sách, chiến lược cho nông sản xuất khẩu.

Để hạn chế tình trạng được mùa rớt giá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, các tỉnh, thành nên lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu phát triển thị trường các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Từ nghiên cứu của nhóm này sẽ biết rõ thế mạnh của các sản phẩm này cũng như doanh nghiệp đang thu mua sản phẩm ở địa phương. Khi đó, lãnh đạo tỉnh cần cử một người đại diện có tâm, có tầm để làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và có chính sách thu hút doanh nghiệp về xây dựng vùng nguyên liệu.

“Cái yếu của chúng ta là chưa dự báo cung cầu thị trường, chỉ sản xuất ra những gì chúng ta có, chúng ta thích. Điều này khiến cho tình trạng “được mùa rớt giá” xảy ra thường xuyên. Do đó, cái chúng ta cần thực hiện là hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, vì chỉ có doanh nghiệp mới là người hiểu rõ về thị trường.

Có như vậy, chúng ta mới bắt đầu sản xuất theo nhu cầu thị trường, từ đó số lượng, chất lượng và giá thành của nông sản sẽ ngày càng cao.”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc nói./.

Hứa Chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục