Phát triển thị trường dừa cho Bến Tre

15:44' - 06/07/2017
BNEWS Bến Tre có hơn 70.000 ha dừa, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa của cả nước, sản lượng hàng năm gần 600 triệu trái.

Ngày 6/7, tại Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp với Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam tổ chức hội thảo “Đánh giá cung cầu và phát triển thị trường dừa Bến Tre”.

Nhà vườn thu hoạch dừa uống nước. Ảnh: Phạm Văn Trí - TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam nhận định, giá dừa thấp nên sản lượng dừa trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm do việc chuyển đổi đất trồng dừa sang cây trồng khác.

Các nước sản xuất dừa lớn đang giảm sản lượng (thô và chế biến), trong khi Việt Nam đang có xu hướng tăng. Do vậy, ngành dừa Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng đang có cơ hội lớn khi nguồn cung từ các quốc gia sản xuất dừa lớn đều có xu hướng giảm sản xuất.

Bến Tre có hơn 70.000 ha dừa, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa của cả nước, sản lượng hàng năm gần 600 triệu trái. Với lợi thế này, Bến Tre đang trở hành vùng sản xuất, chế biến dừa lớn trong nước và khu vực.

Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, tình trạng thiếu hụt cục bộ nguyên liệu dừa sẽ xảy ra, đòi hỏi phải có giải pháp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ trên cơ sở liên kết vùng.

Đề xuất các giải pháp đảm bảo cân bằng cung, cầu nguyên liệu ngành dừa Bến Tre, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc cho rằng, tỉnh cần xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị ngành hàng dừa đồng bộ với sự tham gia của các tác nhân chủ chốt, nhằm thực hiện các đề án nâng cấp chuỗi (vùng nguyên liệu hữu cơ, truy xuất, liên kết nông dân doanh nghiệp, phát triển cơ chế tài chính chuỗi giá trị).

Đồng thời, địa phương cần xây dựng quy trình chuẩn hóa thông tin trong chuỗi giá trị ngành hàng dừa, nhằm nhanh chóng phát hiện những bất cập trong cung, cầu để điều tiết.

Đánh giá về thị trường tiêu thụ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam chia sẻ, thị trường xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Bến Tre có mở rộng nhưng không bền vững.

Vì thế, thời gian tới, Bến Tre cần nhanh chóng xây dựng chiến lược xuất khẩu cho ngành hàng dừa, xác định thị trường mục tiêu cho từng loại sản phẩm để cụ thể hóa kế hoạch đầu tư giúp nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất và môi trường cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.

Thời gian qua, giá dừa trái tại Bến Tre luôn biến động, gây không ít khó khăn cho người trồng dừa và doanh nghiệp chế biến. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, diện tích, sản lượng dừa của Bến Tre chỉ chiếm khoảng 1% của thế giới. Do vậy, rất khó tác động vào giá, mà chủ yếu lệ thuộc vào giá dừa trái và giá bán các sản phẩm từ dừa trên thị trường thế giới.

Bến Tre hiện có 1.970 cơ sở chế biến dừa để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu với nhiều loại hình, qui mô khác nhau. Nhiều sản phẩm có giá trị, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: sữa dừa, dầu dừa, nước dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, than hoạt tính.

Giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiếm gần 20% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hiện, các sản phẩm dừa của Bến Tre được xuất khẩu sang 84 quốc gia và vùng lãnh thổ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục