Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP

15:36' - 27/09/2023
BNEWS Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu như hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP còn khá khiêm tốn, nhiều sản phẩm còn mang thương hiệu nước ngoài.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP.  Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu như hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.

Thông tin này được các diễn giả nhấn mạnh tại Tọa đàm với chủ đề “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, nhắc tới Hiệp định CPTPP mọi người chủ yếu tập trung về ba thị trường chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) khi CPTPP có hiệu lực, đó là Canada, Mexico và Peru. Bởi vì với các thành viên còn lại Việt Nam đã có FTA song phương như Nhật Bản, đa phương cũng có ví dụ như là các thành viên Australia, New Zealand, Singapore hay Malaysia.

“Nếu nhìn vào hai thị trường Canada, Mexico, kể từ khi thực thi CPTPP đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này luôn ở hai chữ số. Ngoài ra, thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đây là một điểm cần hết sức ghi nhận”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

 

Với thị trường Peru, Việt Nam thường cho rằng đây là thị trường khiêm tốn nhưng thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao. Có những năm tăng trưởng ba chữ số.Tuy nhiên, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tại các thị trường đó; hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada hiện là một trong mười đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới và theo số liệu của sở tại, tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021. Đặc biệt, 5 năm sau khi thực thi CPTPP xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên đến 9,9 tỷ năm 2022.

Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn cũng tăng tới 110% sau 5 năm, tức đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP. Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và đây cũng là thị trường có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, CPTPP có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau. Cùng đó, CPTPP có tác động tích cực, hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics… giữa Việt Nam và Canada.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP chưa cao, có tới  60% sản phẩm được hưởng thuế 0% chưa tận dụng được. Hơn nữa, trên 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công.

Thực tế cho thấy sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả hay kể cả các sản phẩm khác như gạo điều, chè, cà phê…  dù sử dụng form ưu đãi nào sang địa bàn cũng tăng đột biến.

Thế nhưng, có những mặt hàng tăng đến 1000% cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp này thu mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, việc xây dựng thành công thương hiệu chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản.

Dưới kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ, tại Hoa Kỳ và Canada, nếu như mọi người vào Amazon sẽ thấy rất nhiều các thương hiệu trà nổi tiếng Davidson, Teeccino… đều là khách hàng của Vinasamex.

Chính vì vậy, nhằm từng bước sẽ giúp cho việc tăng sự phủ rộng thương hiệu đối với khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Canada, Vinasamex đã quyết định xây dựng thêm hai thương hiệu nhỏ là Spice fest và Cinna kitchen với mục tiêu riêng.

Với Spicefest, Vinasamex mong muốn sẽ mang tất cả những gia vị của Việt Nam đến từng căn bếp của người dân Hoa Kỳ để khi sử dụng những gia vị này, người ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Giống như trong nhà đang có lễ hội (Spice festival là lễ hội gia vị).

Trong quá trình từng bước định vị và phát triển thương hiệu như vậy, Vinasamex cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa được sản phẩm vào các kệ siêu thị hay đưa lên sàn Amazon. Vinasamex đã nhận được sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có được một gian hàng trên Amazon. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của doanh nghiệp.

Để khai thác hiệu quả CPTPP, bà Trần Thu Quỳnh lưu ý doanh nghiệp cần phải hướng vào những cơ hội lớn hơn. Cùng đó, kết nối về sản xuất, đầu tư, công nghệ, thương hiệu giữa doanh nghiệp Canada và Việt Nam. Cụ thể, đối với địa bàn Canada, Thương vụ luôn luôn khuyến khích doanh nghiệp của Việt Nam không chỉ nghĩ đến thị trường CPTPP là nghĩ riêng đến xuất khẩu mà phải nghĩ đến cả những khả năng tham gia mua sắm Chính phủ, đấu thầu Chính phủ hay là hợp tác công tư ở nước ngoài mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Ngoài ra, cần phải tạo thêm được cả sự đồng vận giữa xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ. Bởi vì mảng xuất khẩu dịch vụ hiện nay vẫn đang bỏ ngỏ và chưa tận dụng được nhiều cơ hội. Do đó, ở góc độ của địa bàn ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm hay là kết nối đơn hàng… Thương vụ luôn chú trọng  tuyên truyền, cách thức khai thác và sử dụng CPTPP tại Canada.

Chỉ riêng trong năm 2023, Thương vụ đã phối hợp với các bộ, ngành của sở tại để tổ chức 4 cuộc hội thảo ở 4 tỉnh, bang nhằm đánh giá 5 năm thực hiện CPTPP giúp các doanh nghiệp Canada hiểu rõ hơn cơ hội làm ăn kinh doanh với doanh nghiệp ở Việt Nam và ở tại Tp. Hồ Chí Minh; phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Canada tại Tp. Hồ Chí Minh để tổ chức một hội thảo tương tự.

Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng đó, tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ở cấp độ quốc gia sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành;  khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục