Phát triển xe buýt xanh ở Hà Nội gặp khó

11:25' - 18/05/2023
BNEWS Theo lộ trình mà Chính phủ đề ra ở Hà Nội, từ năm 2021, Hà Nội đưa vào thí điểm khai thác 9 tuyến xe buýt điện.

Theo lộ trình mà Chính phủ đề ra ở Hà Nội, từ năm 2021, Hà Nội đưa vào thí điểm khai thác 9 tuyến xe buýt điện. Tuy nhiên, hiện việc phát triển loại hình xe buýt “xanh” này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, nhất là những bất cập trong cơ chế, chính sách.

 
Hiện nhà đầu tư xe buýt điện chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Hà Nội trong khi giá thành một chiếc xe buýt điện cao gấp từ 3 - 3,5 lần so với xe buýt thường, chi phí lãi vay chiếm khoảng 10 - 11% tổng chi phí. Trong khi đó công ty vận hành buýt điện vẫn đang lỗ và nếu không có tiềm lực mạnh đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, để chuyển đổi phương tiện xanh cho mạng lưới xe buýt của Thủ đô cần một lộ trình phù hợp và những yếu tố mang tính động lực như quy hoạch nguồn năng lượng, cơ chế chính sách ưu đãi… Đây là lúc cần rà soát đánh giá, định hình lại mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Bởi, khi có định hướng, doanh nghiệp mới có thể lên kế hoạch đầu tư, trước tiên ưu tiên buýt điện cho khu vực nội đô. Ngoài ra, cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, phù hợp, khả thi cho doanh nghiệp chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe buýt nhiên liệu sạch.

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã đưa vào thí điểm khai thác 9 tuyến xe buýt điện, do Công ty Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus vận hành. Những tuyến buýt “xanh” này đã mang lại hiệu quả tích cực cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng như môi trường của thành phố.

Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, xe buýt điện cũng đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là do những bất cập trong cơ chế, chính sách.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xe buýt, đặc biệt cơ chế, chính sách hiện nay vẫn chưa đi vào cuộc sống (vấn đề lãi vay, nếu không tháo gỡ được thì doanh nghiệp khó có thể đầu tư chuyển đổi phương tiện).

Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đưa cung ứng nguồn điện cho xe buýt năng lượng sạch vào quy hoạch lưới điện chung để chuẩn bị cho tương lai khi Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác phát triển mạng lưới buýt điện rộng khắp. Nếu thiếu hạ tầng năng lượng cho xe buýt sẽ không thể đảm bảo lộ trình thay thế phương tiện “xanh” mà Chính phủ đề ra ở Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục