Phê duyệt kinh phí khuyến công năm 2019 của Bắc Giang

07:52' - 08/03/2019
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công năm 2019 của tỉnh.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất xe rùa tại công ty TNHH cơ khí Hùng Thảo xã Ngọc Châu, huyện Tân. Ảnh: Trung tâm khuyến công Bắc Giang

Với tổng kinh phí khuyến công cho năm 2019 là 3 tỷ đồng, nguồn tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ, thực hiện 23 đề án khuyến công trên địa bàn; trong đó 2 đề án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; 4 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 7 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; 2 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; 2 đề án tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn; 3 đề án nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công...

Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết, với mục tiêu hỗ trợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trong thời gian tới hoạt động khuyến công của tỉnh Bắc Giang sẽ lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên hỗ trợ phát triển.

Việc này sẽ trên nguyên tắc tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, có khả năng tăng giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công của tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ dệt may, da giày, may mặc nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh Bắc Giang có lợi thế.

Tỉnh ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ; ưu tiên hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển; chú trọng phát triển nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực dân tộc thiểu số...

Trong năm 2018, hoạt động khuyến công tại Bắc Giang đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cụ thể, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn mạnh dạn vay vốn để đầu tư công nghệ, thiết bị mới, sản xuất sản phẩm mới; giảm bớt khó khăn về đào tạo và tuyển dụng lao động; nâng cao năng lực quản lý; quảng bá hình ảnh, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh...

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã triển khai và hoàn thành 4 đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với tổng giá trị 800 triệu đồng.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương- Bộ Công Thương) hoàn thành 2 đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 400 triệu đồng.

Đó là đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất các sản phẩm cơ khí” hỗ trợ Hợp tác xã Cơ khí Lạng Giang (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) đầu tư ứng dụng 1 máy cắt công nghệ cao Gas/Plasma và đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác” hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Sông Hồng (xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên) đầu tư ứng dụng 1 máy trung tâm gia công phay đứng công nghệ cao.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang còn triển khai, hoàn thành 25 đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành, duy trì, phát triển 435 làng có nghề; trong đó có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 14.300 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như chế biến nông, lâm sản, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng đã thu hút đáng kể lao động tại chỗ và nơi khác đến; giá trị sản xuất của các làng nghề hàng năm đạt khoảng 850 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục