Phép thử đối với sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc

07:56' - 03/05/2024
BNEWS Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động tại Trung Quốc được xem là thước đo tâm lý của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 1-5/5 này là dịp nghỉ lễ lớn thứ ba ở Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán và Quốc khánh. Các xu hướng chi tiêu trong dịp này được xem là một chỉ báo cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Các công ty du lịch cho biết lượng đặt phòng khách sạn và vé tàu xe đã tăng so với năm ngoái. Theo công ty dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com Group, sốlượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế trong kỳ nghỉ này cũng tăng 56% so với năm ngoái.

Các điểm đến phổ biến bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia. Trong khi đó, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã miễn thị thực du lịch cho công dân Trung Quốc nhằm thu hút thêm du khách từ nước này.

 

Du lịch quốc tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định hạn chế theo chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc, khi các hãng hàng không phải ngừng hầu hết các chuyến bay quốc tế. Nhưng nhiều đường bay hiện đã được khôi phục hoạt động, giúp giảm giá vé máy bay và kích thích nhu cầu đi lại.

Vé tàu trong nước cũng đang được bán hết nhanh chóng. Các ga tàu chính ở Thượng Hải dự kiến sẽ phục vụ 4,25 triệu lượt đi lại trong tám ngày tính đến ngày 6/5. Các công ty vận hành đường sắt đang bổ sung thêm nhiều chuyến tàu để đáp ứng lượng khách tăng đột biến.

Theo Trip.com, bên cạnh các điểm đến quen thuộc như Bắc Kinh và Thượng Hải, các thành phố nhỏ hơn như Thiên Thủy ở tỉnh Cam Túc và Từ Châu ở tỉnh Giang Tô đang trở nên ngày càng phổ biến.

Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng cho các thiết bị gia dụng và các mặt hàng lâu bền khác vẫn trì trệ, do ảnh hưởng của tình trạng suy thoái trên thị trường bất động sản và sự bất ổn kinh tế của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm mới để kích cầu. Mới đây, chính phủ nước này đã công bố khoản trợ cấp 10.000 NDT (1.380 USD) cho người tiêu dùng khi đổi sang các loại ô tô lai (hybrid) và xe điện.

Trước đó, Trung Quốc cuối tháng 4/2024 đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn ở mức cố định hàng tháng, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm được giữ ở mức 3,45%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm không đổi ở mức 3,95%.

Trong một cuộc khảo sát gần đây do hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) thực hiện với sự tham gia của 30 nhà quan sát thị trường, tất cả những người được hỏi đều kỳ vọng cả hai lãi suất chuẩn này sẽ không thay đổi.

Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR kỳ hạn một năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp. Trước đó, LPR kỳ hạn 5 năm đã được hạ 25 điểm cơ bản vào tháng Hai để hỗ trợ thị trường nhà ở.

Việc giữ nguyên LPR được đưa ra sau báo cáo dữ liệu kinh tế quý đầu tiên của Trung Quốc khá khả quan. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khi họ cố gắng củng cố nhu cầu và niềm tin thị trường khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản kéo dài.

Với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên vượt mục tiêu hàng năm là khoảng 5%, các nhà phân tích thị trường và nhà kinh doanh nhận định lập trường chính sách của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong thời gian tới.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ suy yếu, sự không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và biên lãi ròng giảm tại các tổ chức cho vay thương mại cũng tiếp tục hạn chế nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Các nhà phân tích đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sau kết quả tốt hơn mong đợi trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, họ nhận thấy nhiều dấu hiệu hơn cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải vật lộn để thoát khỏi sức ép giảm phát.

Theo ước tính trung bình trong cuộc khảo sát ý kiến của các nhà kinh tế do hãng tin Bloomberg thực hiện, GDP của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng 4,8%. Con số này cao hơn so với dự báo tăng 4,6% trong cuộc thăm dò tháng trước và gần hơn một chút với mục tiêu khoảng 5% của chính phủ.

Các dự báo lạm phát cũng thấp hơn so với cuộc khảo sát hồi tháng 3/2024, cho thấy chi tiêu hộ gia đình đang suy yếu kéo dài sau sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Lạm phát giá tiêu dùng được dự báo ở mức trung bình 0,6% trong năm 2024, giảm so với mức 0,8%. Giá sản xuất dự kiến sẽ giảm với tốc độ trung bình 0,6%, gấp đôi dự đoán hồi tháng 3/2024.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm 2024 mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, phần lớn sự phục hồi đến vào tháng 1-2/2024. Hoạt động tiêu dùng mất đà trong tháng 3/2024 và thị trường nhà ở suy yếu ngày càng trầm trọng, cho thấy những thách thức trong thời gian còn lại của năm 2024 có thể cần nhiều biện pháp kích thích hơn để giải quyết.

Theo 9 trong số 15 nhà kinh tế được khảo sát, thị trường bất động sản suy yếu là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Trong khi đó 4 nhà kinh tế khác cho biết lạm phát thấp và tiêu dùng nội địa yếu là mối lo ngại lớn nhất. Có sự chia rẽ tương tự về cách chính phủ nên ứng phó như thế nào, trong đó các biện pháp thúc đẩy đầu tư bất động sản đứng đầu danh sách, tiếp theo là tăng tốc chi tiêu công.

Một số điểm nổi bật được nêu trong cuộc khảo sát gồm dự báo trung bình về tăng trưởng GDP hàng năm trong quý II/2024 được nâng từ mức 4,9% trong cuộc thăm dò trước đó lên 5,3%. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 3,4% trong năm nay, so với mức 3%. Triển vọng tăng trưởng nhập khẩu được duy trì ở mức 2,6%.

Doanh số bán lẻ hiện được ước tính sẽ tăng 5,5% trong năm nay, so với mức tăng 5,7%. Đầu tư tài sản cố định được dự báo sẽ tăng 4,8% trong năm 2024, so với mức tăng 4,6% đưa ra trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục