Phó Thủ tướng: Hà Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

18:56' - 22/08/2020
BNEWS Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 17.480 tỷ đồng, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019; thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 6.444 tỷ đồng, bằng 70% dự toán Trung ương và 69% dự toán địa phương.

Cùng với đó, thời gian qua, Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh: 6/6 huyện, thành phố, thị xã và 83/83 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, 7/8 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 75%.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút thêm 52 dự án mới, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; tỉnh cũng đã lãnh đạo hoàn thành các Đại hội Đảng cấp cơ sở và trên cơ sở; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã tập trung các giải pháp tháo gỡ; đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh trong các doanh nghiệp. Tác động của dịch COVID-19 đã khiến trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, 89 doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm từ 30% đến 70% doanh thu, 8 doanh nghiệp giảm trên 70% doanh thu.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 15/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh Hà Nam đạt 61,2%. Trong đó có một số dự án có tỷ lệ giải ngân đạt 100% như: dự án cải tạo nâng cấp đường DDH04 huyện Bình Lục, dự án đường Lê Công Thanh giai đoạn III, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc…

Từ thực tế của địa phương, tỉnh Hà Nam đề nghị các Bộ, ngành tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của tỉnh tìm kiếm thị trường thay thế; tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa, xem xét cơ chế giảm lãi suất, nợ phải trả; hỗ trợ giãn, giảm phí, thuế, tiền sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19… 

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn từ các năm trước sang năm 2020 đến hết năm 2020; cho phép tỉnh kéo dài Tiểu dự án thành phố Phủ Lý – dự án sử dụng vốn ODA; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả tỉnh Hà Nam đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội và giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Hà Nam tập trung, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước, chủ động đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; tăng cường quản lý đầu tư trên địa bàn; đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để khởi công nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Hồng Đức.

Đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, Hà Nam cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án trọng điểm, các dự án có vốn lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020, tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả.

Tỉnh cần tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; tích cực, chủ động rà soát tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư khi triển khai các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA.

Cùng với đó, Hà Nam cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, bảo đảm nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động các khu công nghiệp; đôn đốc tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về thương mại - dịch vụ.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Hà Nam và giao các Bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục