Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Ngành tài chính nghiên cứu giải pháp tài khoá thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

14:19' - 16/07/2021
BNEWS Ngày 16/7 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính.
Phát biểu tại hộị nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

* Đảm bảo cân đối ngân sách

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.

Ngành tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19; đảm bảo nguồn kinh phí cho phòng chống dịch, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020; đã có trên 52 nghìn doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với tổng số tiền được gia hạn gần 28 nghìn tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách; cân đối ngân sách nhà nước đảm bảo; nợ công được kiểm soát, giữ được kỷ cương kỷ luật tài chính.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành tài chính đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng. Ngành cũng thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng.

Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành, dự toán ngân sách nhà nước của tỉnh.

Bắc Giang đã chủ động đề ra các giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện song hành hai nhiệm vụ “vừa chống dịch, vừa hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất” theo phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm ước 7,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các chỉ tiêu, khu vực thu đạt trên 50% dự toán. Bắc Giang cũng tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Thế Tuấn cho hay, việc điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Theo đó, chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch tăng lên, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách địa phương năm 2021. Tiến độ giải ngân chi thường xuyên và nguồn vốn đầu tư công còn chậm do dịch bệnh COVID -19 bùng phát.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, 6 tháng đầu năm ngành tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành chính sách tài khóa chủ động; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19. Cùng đó, chủ động bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, huy động đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp và người dân cho phòng chống dịch COVID-19.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện thành công chiến lược vaccine, ngành tài chính đã tham mưu nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua vaccine tiêm chủng trên diện rộng cho người dân. Tổng nguồn lực dành được đến nay khoảng 25 nghìn tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách Trung ương khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng, huy động của Quỹ vaccine phòng COVID-19 trên 8 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp 2 nghìn tỷ đồng.

* Khơi thông mọi nguồn lực

Để hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - ngân sách nhà nước theo kế hoạch; thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định; điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ; tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Ngoài ra, ngành tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thanh tra, kiểm tra, giám sát; chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước 6 tháng tiếp theo không chỉ có sự vào cuộc của riêng ngành tài chính, mà còn là sự đồng lòng của các bộ, ngành và địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Đồng thời, ngành rà soát vấn đề thể chế; trong đó, tập trung những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất, kinh doanh; huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Bộ Tài chính cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư. Bộ cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.

“Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, các đồng chí lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục