Phó Thủ tướng: Ngành tài chính cần tập trung đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế

20:47' - 27/12/2023
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu ngành tài chính tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giao nhiệm vụ cho ngành tài chính trong năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu ngành tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, các địa phương vào cuộc cùng Bộ Tài chính chỉ đạo sát sao hơn việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước.

Cùng với nhiệm vụ thu, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên.

Ngoài ra, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn. Qua đó, giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

"Mặc dù khó khăn và thách thức còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Tài chính và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi tin tưởng rằng Bộ Tài chính tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được năm 2023, có giải pháp sáng tạo, đột phá hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương đã thông tin về việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, năm 2023, thành phố đã tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ước cả năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.089 tỷ đồng, bằng 89,9% dự toán giao.

Năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để tiến tới hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo thu ngân sách thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và tác động từ việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí... Trong bối cảnh đó, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, chủ động, bám sát dự toán mà Trung ương và HĐND thành phố giao.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 20.000 tỷ đồng, đạt 102,2% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giảm 10,5% so với năm 2022; số thu từ hải quan ước đạt 82,5% dự toán Bộ Tài chính giao thì kết quả thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra thể hiện quyết tâm cao và nỗ lực lớn của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đề ra 3 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,5%; giá trị xuất khẩu tăng 8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 19.515 tỷ đồng...

Trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 là rất nặng nề, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép tỉnh Thái Nguyên được sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục