Phó Thủ tướng: Sau nông thôn mới sẽ triển khai nông thôn mới nâng cao

18:05' - 24/02/2019
BNEWS Phó Thủ tướng khẳng định, xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau nông thôn mới sẽ triển khai nông thôn mới nâng cao và sau đó là nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Ngày 24/2, tại huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị công bố và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm: "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025".

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cùng đại diện lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Mục tiêu tổng quát của Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025” là nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc.

Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó đáng quan tâm nhất là đến 2025, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch”.

Quyết định số 17/QĐ-TTg cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho 12 bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nam Đàn trong triển khai Đề án.

Về tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là khoảng 2.465 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách 4 cấp là 730 tỷ đồng, chiếm 29,6%; vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.062 tỷ đồng, chiếm 43,1%; vốn xã hội hóa (doanh nghiệp) 260 tỷ đồng, chiếm 10,5%; vốn huy động cộng đồng 253 tỷ đồng, chiếm 10,3%; nguồn khác/tín dụng 160 tỷ đồng, chiếm 6,5%.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Nam Đàn, tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và đồng hành cùng với tỉnh và huyện Nam Đàn; nhất là trong vấn đề ưu tiên bố trí nguồn vốn để hoàn thành các công trình, dự án phục vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch cũng như hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Nam Đàn.

Tại Hội nghị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Nhà Sử học, đại biểu Quốc hội khóa XIV Dương Trung Quốc nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Nam Đàn trên cơ sở quy hoạch và xây dựng không gian du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự khác biệt ở mỗi làng quê Nam Đàn với cảnh quan thiên nhiên “thấm đẫm” truyền thống, tránh bê tông hóa.

Đặc biệt các ý kiến đề cao vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm đạt được các mục tiêu dự án - đây là vấn đề then chốt, tạo sự phát triển bền vững.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nêu định hướng phát triển của huyện Nam Đàn và xác định rõ những công việc phải làm ở cấp tỉnh và huyện cũng như nguồn lực để triển khai đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Đàn; trước mắt mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp hỗ trợ cho tỉnh và huyện Nam Đàn hoàn thành một số công trình cấp bách phục vụ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí diểm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu đúng dịp tròn 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện những lời căn dặn trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho quê hương (ngày 21 tháng 7 năm 1969), đó là: “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” là vô cùng có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng khẳng định, Nam Đàn là đơn vị duy nhất trong 4 huyện thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mới, bởi đối với Nam Đàn, không chỉ xây dựng nông thôn mới đơn thuần mà vấn đề lớn hơn là phát triển kinh tế - xã hội quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng quy hoạch không gian kiến trúc, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng tầm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm gian hàng đặc sản của huyện Nam Đàn tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn quán triệt tinh thần xây dựng nông thôn mới là quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cả về sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế nông thôn và dịch vụ trên nền tảng văn hóa mà cốt lõi là các khu di tích lịch sử văn hóa, gắn bó với phát triển đô thị hóa trong một tổng thể hài hòa.

Theo Phó Thủ tướng, tinh thần triển khai Đề án phải “kiểu mẫu” trong tổ chức triển khai, thực thi nhằm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra.

Các bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn cần thể hiện quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong triển khai, tránh thụ động chờ đợi sự chỉ đạo của Chính phủ.

“Việc triển khai đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài trách nhiệm, đó còn là tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, sự đóng góp của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế, chính là tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. “Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới và cũng chính là người thụ hưởng chứ không phải là chính quyền hay ai khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bởi vậy, tỉnh và huyện Nam Đàn cần dấy lên phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn với xây dựng cốt cách, nét đẹp con người Nam Đàn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau nông thôn mới sẽ triển khai nông thôn mới nâng cao và sau đó là nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi vậy tỉnh Nghệ An và các nhà đầu tư tiếp tục cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển huyện Nam Đàn nói chung tới năm 2030, triển khai quy hoạch khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp với địa lý, văn hóa, đời sống của cư dân mang đẳng cấp quốc tế”.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, thay mặt lãnh đạo tỉnh và huyện Nam Đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã ký kết với các doanh nghiệp đầu tư 9 dự án, bao gồm các lĩnh vực văn hóa xã hội, du lịch, nước sạch, công nghệ thông tin…

Ngoài 9 dự án đầu tư, tại hội nghị, 2 doanh nghiệp cũng có quyết định tài trợ 2 công trình xã hội trên địa bàn huyện Nam Đàn, gồm: Trường Tiểu học Hoàng Trù do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ với tổng số tiền 15 tỷ đồng; công trình Trường mầm non tại Nam Đàn do Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ 8 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục