Phó Thủ tướng: Tiếp tục xử lý “điểm đen” về tai nạn giao thông

19:12' - 27/08/2020
BNEWS Các địa phương tiếp tục xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm.

Ngày 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ủy ban nhằm đánh giá về tình hình tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vừa qua, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp cấp bách.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 tháng năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/8/2020), toàn quốc xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%).

Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải (xe tải, xe chở khách, xe container), làm chết và bị thương nhiều người.

Điển hình là các vụ tai nạn giao thông tại: Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương; Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương; Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương.

Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương. Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông tại quận Long Biên, Hà Nội ngày 4/8 làm 3 người chết và 1 người bị thương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải; đề xuất các giải pháp cấp bách để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, phân tích việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận  tải.

“Việc này chúng ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, nhưng từ đó đến nay, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hay địa phương về một trường hợp chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, để xảy ra tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng. Không thể nói các chủ doanh nghiệp thực sự vô can mà cần làm rõ vấn đề này”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, cần xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương; làm rõ việc phân công, phân cấp trong tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng... Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung làm ngay một số công việc cấp bách.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị có lái xe điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 1/2019 đến hết tháng 7/2020; chú trọng việc kiểm tra, xử lý đối với vi phạm của chủ phương tiện gây tai nạn giao thông trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải; đề nghị báo cáo trước 15/9/2020.

Các địa phương tiếp tục xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các “điểm đen” xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 5, 6, 7 vừa qua; tiếp tục nghiên cứu phương án lắp đặt dải phân cách giữa đoạn Quốc lộ 1A từ Phan Thiết đi Đồng Nai gắn với đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn.

Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm sức khỏe cho lái xe. Trong điều kiện Chính phủ đang tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cần khảo sát các điểm đen, sửa chữa, lắp đặt ngay biển báo, hộ lan, gương lồi trên những đoạn tuyến có điểm đen về tai nạn giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên từ tháng 1/2019 đến hết tháng 7/2020; gửi trước 15/9/2020.

Bộ Công an duy trì hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị phụ trách các tuyến đường đối với tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của xe kinh doanh vận tải; báo cáo kết quả điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe, làm giả Giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khỏe cho người học lái xe.

Phó Thủ tướng đề nghị, từ 1/9/2020, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các sai phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục