Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích hợp hiện đại, đi trước một bước

16:22' - 14/04/2023
BNEWS Phó Thủ tướng yêu cầu cần nhìn nhận rõ vấn đề hạ tầng hiện nay cũng như rút ra bài học kinh nghiệm; đánh giá tính phù hợp về tư duy, quan điểm, mục tiêu, vấn đề mới đề ra trong giai đoạn hiện nay.

"Trong thời gian tới cần có quan điểm mới, tư duy mới, nhiệm vụ mới để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích hợp hiện đại, đi trước một bước và mở ra không gian phát triển mới. Trong đó, nguồn lực nhà nước tập trung cho những công trình hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt vốn đầu tư tư".

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết 13), sáng 14/4, tại Trụ sở Chính phủ.

* Đột phá về tư duy, chính sách

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các ý kiến tại cuộc họp đã nhìn nhận tổng quát, đồng bộ về kết quả thực hiện Nghị quyết 13 cũng như nhận thức về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Nhấn mạnh sự cần thiết của phát triển hạ tầng đồng bộ, không thể tách nhu cầu phát triển của bộ ngành, địa phương với quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nhìn nhận rõ vấn đề hạ tầng hiện nay cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm; đánh giá tính phù hợp về tư duy, quan điểm, mục tiêu, vấn đề mới đề ra trong giai đoạn hiện nay…

"Chúng ta đã làm nhanh hơn, dành nhiều nguồn lực và có ý thức hơn nhưng thực trạng, yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng trong Nghị quyết 13 nêu ra như thiếu đồng bộ, kém tính kết nối và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển thì vẫn còn nguyên giá trị", Phó Thủ tướng nói; đồng thời nhấn mạnh, nguyên nhân của tình trạng này do tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, thiếu tính liên thông, thiếu khả năng tích hợp, đồng bộ, thống nhất… Điển hình, phát triển hạ tầng giao thông chưa kết hợp hài hòa các loại hình đường bộ, đường thủy, đường sắt cũng như thủy lợi, viễn thông, điện lực...; chưa đánh giá tác động, ảnh hưởng tới công trình thủy lợi, môi trường và ngược lại.

Cơ chế, chính sách trong phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước về tư duy, tầm nhìn quy hoạch từ tổng quát đến chi tiết, từ kết nối tầm quốc gia, quốc tế đến vùng, địa phương và tích hợp các quy hoạch ngành; đa dạng các hình thức huy động nguồn lực xã hội như đầu tư công - quản trị công, đầu tư công quản trị tư; đầu tư tư-quản trị công; đầu tư tư - quản trị tư… Đồng thời, cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… đối với các dự án kết cấu hạ tầng.

Xác định điểm đột phá trong từng lĩnh vực hạ tầng, Phó Thủ tướng nêu ví dụ, bên cạnh đường bộ trong phát triển hạ tầng đô thị, cần quan tâm hơn nữa đến đường sắt, đường thủy; tập trung đầu tư hạ tầng thông tin, viễn thông đang ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển đô thị thông minh.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa…; kiến tạo không gian sáng tạo cho hoạt động văn hóa, thông tin báo chí, công nghiệp kinh tế xanh, công nghệ cốt lõi; có lộ trình phát triển những loại hình hạ tầng mới về thông tin, viễn thông, môi trường, năng lượng tái tạo…

 

* Diện mạo mới cho phát triển đất nước

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 13, một khối lượng lớn nhiệm vụ về thể chế, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng được hoàn thành, tạo ra diện mạo mới cho phát triển đất nước.

Theo đó, nhiều chương trình, dự án công trình kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, năng lượng, thủy lợi, thông tin… được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư để sớm đi vào khai thác, vận hành hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao… Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn thay đổi vượt bậc, hiện đại hóa đồng bộ, dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống người dân nông thôn được nâng lên.

Hạ tầng đô thị thay đổi nhanh chóng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hình thành của các trục hướng tâm, đường vành đai, nút giao lập thể giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, tuyến đường sắt đô thị…

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thể chế chưa đồng bộ, chậm ban hành hoặc chưa có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Một số lĩnh vực còn thiếu các quy định về luật, hệ thống pháp luật khác để điều chỉnh; cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Trong khi đó, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia kết cấu hạ tầng chưa phát huy hiệu quả. Kết cầu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối liên vùng và giữa các lĩnh vực làm giảm hiệu quả khai thác, vận hành…

Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, quá trình tổ chức thực hiện cần có sự đồng bộ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ giữa các luật chuyên ngành; đơn giản hóa thủ tục.

Công tác lập quy hoạch kết cấu hạ tầng phải được đồng bộ, chất lượng và có tầm nhìn dài hạn; ưu tiên bố trí vốn các công trình cấp bách, trọng điểm; tập trung đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác,  sử dụng, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên vùng, kết nối giữa các lĩnh vực hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng sử dụng chung…

"Một trong những bài học kinh nghiệm là, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xác định mục tiêu phát triển hạ tầng của ngành, lĩnh vực phụ trách và cụ thể hóa trong quá trình thực hiện triển khai, xây dựng nghị quyết của Trung ương. Song song với đó, theo kế hoạch giai đoạn, bố trí nguồn lực gắn liền với mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục