Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Cần có những chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cụ thể

19:47' - 26/02/2024
BNEWS Phó Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cần có những cuộc họp chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực cụ thể như thương mại điện tử, bảo hiểm, thuế…
Ngày 26/2, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ ba. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố quyết định kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Chủ tịch. Hội đồng có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo tại phiên họp, Tổ công tác được thành lập và Hội đồng tư vấn được kiện toàn đã góp phần khắc phục điểm yếu trong khâu thực thi, tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào quá trình cải cách của Chính phủ, bảo đảm cải cách là hướng tới người dân, phục vụ người dân cũng như nâng cao khả năng phản ứng chính sách. Dù mới được thành lập, Tổ Công tác đã bước đầu phát huy vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính. Năm 2023, Tổ công tác đã cơ bản hoàn thành 12/13 nhiệm vụ, Hội đồng tư vấn hoàn thành 11/15 nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động.

Cũng theo báo cáo, việc đổi mới thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng, đến nay có hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%, tăng 1,4 lần so với năm 2022; địa phương đạt 37,4%, tăng 3,7 lần. Tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành là 28,59%, tăng 11%, còn địa phương là 39,48%, tăng 31,44%.Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, hoạt động của Tổ công tác vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, vẫn còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ điện tử nhưng quy trình xử lý bên trong lại bằng giấy, ảnh hưởng đến việc cung cấp kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu đã có trong hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; một số thành viên chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành, địa phương được phân công phụ trách triển khai các nhiệm vụ được giao.

Tại phiên họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nêu một số bất cập, vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu tại chỗ, bảo hiểm xã hội, lãi suất các khoản vay cũ, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn về những kết quả đã đạt được trong cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực trong năm 2023, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm, còn nhiều vướng mắc, còn những việc rất khó nên phải tiếp tục nỗ lực, thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Phó Thủ tướng lưu ý về sự thống nhất trong các quy định trong luật, thông tư, nghị định. Bên cạnh đó có những quy định còn chưa phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của đất nước và xu thế phát triển chung trong khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm có nguyên nhân từ thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Đối với thủ tục hành chính trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo…, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải cố gắng hơn nữa, vượt qua những khó khăn.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Tổ công tác tiếp tục duy trì cơ chế tiếp nhận bằng nhiều hình thức, bao gồm cả hình thức đối thoại trực tiếp và xử lý thông tin, phản ánh phải hết sức có trách nhiệm, trước hết là thông tin, phản ánh, đề xuất từ Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Đối với Hội đồng tư vấn, Phó Thủ tướng mong muốn các thành viên của Hội đồng chia sẻ thông tin, hiến kế kịp thời, rõ ràng với Tổ công tác.

Thường trực Tổ công tác và Thường trực Hội đồng tư vấn phối hợp tham mưu danh mục nhiệm vụ các bộ, ngành phải triển khai với thời hạn hoàn thành cụ thể; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong phiên họp tiếp theo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là nhiệm vụ của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chủ động xử lý theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổ công tác để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Phó Thủ tướng cũng nhất trí về nguyên tắc cần có những cuộc họp chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực cụ thể như thương mại điện tử, bảo hiểm, thuế… để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục