Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khai thác đảm bảo tuyệt đối an toàn cầu Thăng Long

12:12' - 07/01/2021
BNEWS Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng đã chính thức đưa vào khai thác sáng 7/1.
Sáng 7/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Lễ thông xe dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sau 5 tháng thực hiện. Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là dự án hết sức quan trọng, hoàn thành đúng vào dịp đầu năm 2021 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cầu Thăng Long được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô cũ (Nga), khi xây dựng hoàn thành cây cầu đã trở thành biểu tượng của thời kỳ đó. Người dân từ miền Nam ra đều lên cây cầu tham quan và là cầu hiện đại nhất Việt Nam, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của Hà Nội và đất nước.

Tuy nhiên do cầu thiết kế lâu và có đặc tính riêng nên trong quá trình sử dụng mặt cầu bị biến dạng, nứt sụt lún ảnh hưởng an toàn công trình. Cầu nối Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài nên không thể để cầu hư hỏng, ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. Vì thế, nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa nhưng chưa thành công.

“Việc hoàn thành sửa chữa và thông xe cầu Thăng Long đúng vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ góp phần đảm bảo giảm ùn tắc giao thông, phân luồng giao thông hợp lý trên tuyến giao thông quan trọng này. Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các chuyên gia đã hết sức tích cực và có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long, khắc phục mọi khó khăn, lao động ngày đêm để đảm bảo dự án về đích sớm hơn kế hoạch” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay..

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với UBND Tp. Hà Nội bàn giao công trình, khai thác đảm bảo tuyệt đối an toàn hiệu quả; trong đó, lưu ý kiểm soát xe tải qua cầu, đảm bảo trọng tải không vượt quá và chất lượng cầu. Trên cơ sở ứng dụng thành công sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hoàn thành các chỉ dẫn để làm các công trình tiếp theo có hiệu quả, chất lượng

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau hơn 15 năm khai thác phần mặt đường ô tô trên cầu chính đã xuất hiện các hư hỏng, với các đặc điểm kết cấu phức tạp mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe chạy trên mặt cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng lớn, đồng thời theo các phương khác nhau.

Từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và một số lần sửa chữa cục bộ, đến trước năm 2020 các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để.

"Nguyên nhân chính gây hư hỏng mặt cầu là do cấu tạo của bản thép mặt cầu dày 14mm là mỏng so với tiêu chuẩn hiện nay tối thiểu bằng 18mm, do đó bản mặt cầu thép biến dạng uốn quá mức gây nứt lớp bê tông nhựa bên trên", ông Nguyễn Văn Huyện cho biết

Sau khi được giao triển khai dự án sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, thử nghiệm, học tập kinh nghiệm tại các công trình đã được sửa chữa thành công ở nước ngoài để tìm giải pháp phù hợp áp dụng trong sửa chữa mặt cầu.

Giải pháp là sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường. Sau khi hoàn thành rải bên tông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm.

Với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm. Theo kết quả thử tải độ cứng của bản mặt cầu tăng lên khoảng 2 - 3 lần so với trước đây.

"Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai III thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa nội thành Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông", ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nằm trên đường vành đai 3 là một trong các tuyến đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn. Việc sửa chữa sẽ giúp giảm tải cho cầu Nhật Tân trên tuyến đường cửa ngõ của thành phố, tạo sự liên kết giữa các vùng.

Nhằm đưa công trình khai thác hiệu quả, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông, các quận huyện tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tổ chức khai thác dự án trong đó có công tác kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo nâng cao tuổi thọ công trình.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 8/2020, thời gian hợp đồng là 150 ngày. Dự án đã về đích vượt tiến độ 7 ngày so với yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục