Đồng loạt vận hành 35 trạm thu phí tự động không dừng

20:18' - 29/12/2020
BNEWS Ngày 29/12, tại Hòa Bình, Bộ Giao thông Vận tải và Tập đoàn Viettel đưa vào vận hành thu phí tự động không dừng (ETC) tại 35 trạm thuộc giai đoạn 2 của dự án.

Với việc đồng loạt đưa vào khai thác thu phí điện tử không dừng (ETC) tại 35 trạm thu phí, nâng tổng số trạm thu phí ETC trên cả nước lên là 91 trạm.
Trong số 35 trạm thu phí thực hiện ETC từ ngày 29/12, có 25 trạm thuộc các dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuộc dự án giai đoạn 2 (BOO2) do Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thành viên Tập đoàn Viettel làm nhà cung cấp dịch vụ với tên gọi ePass. 10 trạm do các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, sau thời gian nỗ lực đến nay, tất cả các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ đã đạt mục tiêu áp dụng thu phí tự động không dừng, đạt 91/116 trạm. Hiện còn 15 trạm chưa thực hiện được do thời gian thu phí ngắn, phương án tài chính nhà đầu tư không đảm bảo.

"Tính tổng số giai đoạn 1 (dự án BOO1) có 56 trạm đưa vào hoạt động, giai đoạn 2 (BOO2) đưa 35 trạm vào đã nâng tổng số 2 giai đoạn áp dụng thu phí tự động ở các trạm lên con số 91 trạm. Chúng ta đã nỗ lực và cố gắng thực hiện đạt được mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao vận hành trước 31/12," Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Nhìn nhận Viettel là Tập đoàn lớn của Bộ Quốc phòng, đây là sản phẩm đầu tiên kết hợp với Bộ làm về thu phí tự động không dừng trong lĩnh vực đường bộ trong khi ngành giao thông có 5 lĩnh vực nên cần ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quản lý, do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Viettel sẽ nghiên cứu và triển khai nhiều dự án, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào ngành giao thông.
Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, sau 6 tháng Viettel giao nhiệm vụ triển khai BOO2 đã có hệ thống ETC trên khắp cả nước về đích đúng yêu cầu theo Thủ tướng Chính phủ.
Nhấn mạnh giao thông thông minh là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết chuyển đổi số sẽ giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi đi lại. Viettel xây dựng giao thông thông minh và xác định bổn phận đất nước và người dân, khi được giao nhiệm vụ đã huy động xây dựng hệ sinh thái.
Đơn vị đã chuẩn bị nhân vật lực, khảo sát lắp đặt thiết bị, liên thông các ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán thuận tiện cho người dân, đảm bảo an ninh an toàn, hệ thống hạ tầng cho người dân.
"Năng lực và kinh nghiệm của Viettel đã được chứng minh thông qua dự án này. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng đáp ứng tốt nhất về hạ tầng, nền tảng công nghệ giao thông trên hành trình chuyển đổi số," ông Lê Đăng Dũng nói.
Thiếu tướng Dũng cũng tin tưởng một ngày không xa sẽ xóa bỏ mọi giao dịch bằng tiền và chuyển sang nền tảng số, kết nối liên thông, nền tảng thanh toán thu phí.

Đồng thời, Viettel cam kết cung cấp công nghệ tốt nhất, xây dựng hệ thống an toàn vận hành và xây dựng các hệ thống chuyển đổi số khác trong tương lai.

Dự án thu phí tự động không dừng bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cung cấp dịch vụ.

Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).
Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam - VDTC.
Đến nay đã lắp đặt đưa vào vận hành ETC tại 25 trạm thu phí. Còn 8 trạm được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn hoặc không triển khai ETC, gồm: không triển khai ETC tại 3 trạm trên Quốc lộ 51 do thời gian thu phí còn khoảng 1 năm; chưa triển khai ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu thấp là trạm trên đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; 2 trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu Quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 Quốc lộ 91 (Cần Thơ).
Đối với 50 trạm do 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị không thực hiện ETC tại 4 trạm trên đường nội tỉnh chủ yếu thu phí xe máy.

Trong 46 trạm thu phí còn lại, 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC, 7 trạm đang triển khai và 6 trạm thuộc các dự án đang xây dựng chưa tổ chức thu phí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục