Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Vinachem phải sớm chấm dứt những dự án thua lỗ

13:11' - 14/01/2017
BNEWS Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem cần phải có giải pháp quyết liệt và triệt để nhằm xử lý dứt điểm, nhất là đối với 4 đơn vị đang làm ăn thua lỗ, làm ảnh hưởng lớn đến 20 đơn vị đang làm ăn có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sáng 14/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của ngành hóa chất, đặc biệt tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm qua của Tập đoàn đều không đạt.

Do vậy, trong năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem cần phải có những giải pháp quyết liệt và triệt để nhằm xử lý dứt điểm, nhất là đối với 4 đơn vị đang làm ăn thua lỗ, làm ảnh hưởng lớn đến 20 đơn vị đang làm ăn có hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, Vinachem là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng về hóa chất nên phải thể hiện được vị thế của mình.

Theo đó, Tập đoàn cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như khai khoáng phục vụ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản cho sản xuất và tiêu dùng; chế biến và sản xuất cao su.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017 và những năm tiếp theo Vinachem cần chú trọng và có những biện pháp xử lý triệt để, dứt điểm các dự án kém hiệu quả của Tập đoàn hiện nay.

Đồng thời tập trung vào đầu tư, nghiên cứu các dự án mới, mở rộng các dự án đã có nhằm nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng dự án yếu kém.

Đặc biệt, đối với vấn đề bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không để xảy ra sự cố môi trường trong lĩnh vực hóa chất, làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp, lòng tin của người dân như Formosa vừa qua.

Cùng với việc rà soát lại các sản phẩm để xác định lại sản phẩm chủ lực, coi trọng thị trường trong nước, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục tái cơ cấu; trong đó trọng tâm là công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp; thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, đổi mới tổ chức quản lý… để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào điều tiết kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Báo cáo kết quả chung tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết, năm 2016 so với năm 2015, doanh thu của Tập đoàn đạt 41.931 tỷ đồng, giảm 8,4%.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 445 triệu USD; trong đó tổng giá trị xuất khẩu đạt 225 triệu USD, giảm 12%; nhập khẩu đạt 220 triệu USD, giảm 18% so với năm trước.

Lợi nhuận hợp nhất lỗ 627 tỷ đồng; trong đó lãi phát sinh 2.745 tỷ đồng, lỗ phát sinh 3.372 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn giảm khoảng 10% so với năm trước.

Ông Tường cũng cho biết, trong năm 2016 Tập đoàn có 4 đơn vị sản xuất phân bón có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ là Công ty cổ phần phân Đạm và Hóa chất, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần DAP – Vinachem, Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem.

Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của các đơn vị này là giá bán phân bón giảm mạnh, đặc biệt phân u rê và DAP do ảnh hưởng từ giá dầu giảm.

Bước sang năm 2017, Vinachem đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu đạt 43.567 tỷ đồng, tăng 3,9%; lợi nhuận 155 tỷ đồng, tiền lương tăng 5%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương xử lý triệt để nhằm xóa bỏ các cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả và gian lận thương mại đối với mặt hàng săm lốp, ắc quy nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Đồng thời sớm triển khai biện pháp phòng vệ thương mại theo hướng áp thuế tự vệ đối với phân đạm u rê và phân DAP nhập khẩu.

Cùng với đó, Tập đoàn đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0-5% theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Để đảm bảo sản xuất cho các đơn vị phân bón, Tập đoàn kiến nghị Bộ Tài chính sớm hiệp thương giá bán than với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vì giá bán than cho các đơn vị thuộc Tập đoàn hiện tăng mạnh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục