Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các trường đại học cần mở rộng quyền tự chủ đến từng giảng viên

15:03' - 30/01/2018
BNEWS Tự chủ đại học là đường một chiều, không thể không đi. Trong quá trình đổi mới, các trường sẽ gặp không ít khó khăn, phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo hướng “vướng” ở đâu, “gỡ” ở đó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ngày 30/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Trường Đại học Thương mại về việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả mà Trường Đại học Thương mại đã đạt được sau hơn một năm thí điểm đổi mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tự chủ đại học là đường một chiều, không thể không đi. Trong quá trình đổi mới, các trường sẽ gặp không ít khó khăn, phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại theo hướng “vướng” ở đâu, “gỡ” ở đó. Nhiều văn bản pháp luật cần thời gian để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, với những vấn đề vướng mắc mà không phải do quy định của pháp luật thì nhà trường cần quyết tâm giải quyết cho được.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất do các nhà trường tự cân đối, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng xem xét, thẩm định, phê duyệt, không gây khó khăn cho các trường.

Phó Thủ tướng cho rằng, các trường muốn thực hiện được tự chủ thì phải giao thực quyền cho Hội đồng trường; đồng thời, mở rộng quyền tự chủ đến từng bộ môn, từng giảng viên. Vai trò của giảng viên, từng bộ môn, các khoa, phòng ngày càng được nâng cao thì tự chủ đại học mới đảm bảo đúng thực chất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Trường Đại học Thương mại xem xét lại hệ thống các văn bản, quy định liên quan, từ đó xây dựng bộ quy tắc chi tiết, đảm bảo công khai, minh bạch trong việc triển khai đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động. Bên cạnh việc thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Trường Đại học Thương mại xem xét mở rộng hướng đào tạo và nghiên cứu đối với những lĩnh vực mà xã hội đang cần, chứ không chỉ tập trung vào các ngành thế mạnh...
Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Thương mại, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc thực hiện Đề án đã tạo nhiều cơ hội cho nhà trường được chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng đào tạo.

Nhà trường đã tiến hành rà soát, tổ chức xây dựng mới, hoàn thiện và chuẩn hoá 19 chương trình đào tạo trình độ đại học với 14 ngành đào tạo; 6 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 5 chương trình trình độ tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định.

Về nghiên cứu khoa học, nhà trường đã có chính sách khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Vì vậy, số lượng bài báo công bố quốc tế tăng hơn 200%, đề tài nghiên cứu khoa học có chiều hướng tăng lên.
Về tổ chức bộ máy, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2016-2021 với 15 thành viên đã nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức các đơn vị nhằm tinh giản bộ máy quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn và tính tự chịu trách nhiệm cho từng đơn vị.
Trường cũng đã xây dựng chính sách học phí theo đề án tự chủ, rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế tài chính nội bộ. Chính sách học phí, học bổng và hỗ trợ sinh viên được công bố công khai, bảo đảm mức học phí không vượt quá mức trần theo quy định. Cơ sở vật chất của nhà trường đã được mua sắm, sửa chữa, thu nhập của công chức viên chức tăng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trường Đại học Thương mại cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đề nghị Chính phủ xem xét cho phép trường được quyết định việc sử dụng các nguồn vốn do nhà trường tự cân đối để đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp như trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, tạo điều kiện cho nhà trường tăng cường nguồn thu trong giai đoạn đầu ngân sách nhà nước không cấp kinh phí; được xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất...

Đồng thời, nhà trường đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm; cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về việc bổ nhiệm, tuyển dụng ứng viên trong và trên độ tuổi lao động để thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, quản lý.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cũng đã giải đáp các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của Trường Đại học Thương mại trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ trao học bổng dành cho sinh viên vượt khó học giỏi của Trường Đại học Thương mại. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng đề nghị, các trường đại học cùng giảng viên, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam cần tiếp tục rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập, giữ được nền nếp, kỷ luật, ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp và môi trường xung quanh.

Các nhà trường cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch để hướng tới xây dựng môi trường đại học văn minh, hiện đại, nơi kết tinh của tri thức, khoa học.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục