Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của các nhà khoa học

17:28' - 18/05/2017
BNEWS Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Đây là sự kiện lớn nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hai nhà khoa học. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay được trao cho 2 nhà khoa học là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Sum - Trường Đại học Quy Nhơn với công trình toán học Nguyễn Sum 2015, giúp giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm và Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Sơn Nam - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) với công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật.

Đặc biệt, công trình của Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Sơn Nam đã phát hiện ra một chuyển hóa của chất hữu cơ N-methilaniline chưa từng được công bố. Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam từng được biết đến là giáo sư trẻ nhất năm 2015 khi mới 36 tuổi.

Chia sẻ vinh dự và niềm vui khi được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sum cho biết:

Bất cứ người làm khoa học nào được nhận giải thưởng này đều rất vinh dự và vui sướng. Với cá nhân tôi, ở thành phố nhỏ, không phải trung tâm khoa học - công nghệ của đất nước mà đóng góp của mình được cộng đồng khoa học nước nhà ghi nhận thì niềm vui đó lớn hơn rất nhiều.

Đây là sự động viên, khích lệ lớn đối với những người làm khoa học đang công tác ở các trường "tỉnh lẻ", thành phố nhỏ như Trường Đại học Quy Nhơn. Tôi sẽ tự tin và tiếp tục phấn đấu, tập trung thời gian nghiên cứu khoa học, đóng góp vào thành tựu nghiên cứu khoa học chung của đất nước.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Ngành Khoa học và Công nghệ thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, tuy nhiên vẫn ở mức trung bình thấp so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, số công trình của Việt Nam được công bố trên Tạp chí Khoa học quốc tế (ISI) trong 5 năm qua tăng khoảng 20%/năm.

Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaixia và 1/5 của Singapore. Số lượng bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam cũng đã tăng 60%/năm, nhưng chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và 1/3170 của Trung Quốc. Do đó, cộng đồng khoa học, công nghệ cần nỗ lực hơn nữa để có thể bắt kịp với thế giới, nhất là khi cuộc cách mạng 4.0 cận kề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc phân bổ sử dụng ngân sách khoa học để làm các chương trình, đề tài khoa học cần phải công khai, minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài, làm, phản biện, cho đến kết quả.

Nếu những đề tài thực sự tốt sẽ được chia sẻ trong xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để ứng dụng và không nghiên cứu lặp lại nữa. Nếu đề tài không thiết thực, chất lượng, cộng đồng nhìn vào đó sẽ đánh giá ngay.

Bên cạnh đó, phải thúc đẩy phong trào tại các trường đại học, các sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường để truyền cảm hứng nghiên cứu. Đồng thời, có cơ chế về khoa học để tạo môi trường có sự hỗ trợ cần thiết để các nhà khoa học sẵn sàng hiến thân cho khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.

>>> Kỹ năng mà giới trẻ tại ASEAN cần để ứng phó với những thách thức trong tương lai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục