Khoa học công nghệ là đòn bẩy để nông sản Việt vươn ra thế giới

20:10' - 10/03/2017
BNEWS Ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế.
Ngành nông nghiệp của vùng đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu . Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Triển lãm “Festival quốc tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra từ ngày 9-13/3 tại TP. Cần Thơ, hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp” đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân trong vùng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận đã được trình bày; trong đó, nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ chính là đòn bẩy để nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Tuy sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 69% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước và đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu mỗi năm nhưng những con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng không đều, thị trường không ổn định, đầu ra bấp bênh. Nhiều sản phẩm xuất bán vẫn nằm ở dạng thô khiến giá trị không cao.

Ngành nông nghiệp của vùng đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế.

Điển hình là hiện tượng hạn hán, lũ lụt và xâm ngập mặn diễn ra trong thời gian qua gây trở ngại lớn cho quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế lại đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản.

Trong bối cảnh trên, ngoài việc tìm các giải pháp nhằm giảm tác động biến đổi khí hậu, đề xuất các chương trình, chính sách tái cơ cấu ngành, việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại do thiếu nguồn nhân lực, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế, diện tích sản xuất giảm và manh mún do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa,… chính vì vậy mà khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò là động lực cho sự phát triển ngành nông nghiệp.

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu ứng dụng các kết quả khoa học - công nghệ và một số kỹ thuật để phát triển các sản phẩm này.

Hiện nay, các sản phẩm chủ lực của khu vực này như lúa gạo, thủy sản đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vẫn còn ít và còn nhiều khâu vẫn có thể đưa tiến bộ kỹ thuật vào để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ở khu vực này.

Đơn cử như Công ty Trúc Anh ở Bạc Liêu, từ khi áp dụng công nghệ mới là nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc thì có thể nâng sản lượng từ vài chục tấn/ha/năm lên trên 150 tấn/ha/năm. Qua đó có thể thấy nhờ ứng dụng công nghệ mà năng suất của con tôm đã được nâng cao.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ nuôi tôm mới không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi đã tạo ra sản phẩm sạch, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng mà không cần lo lắng về sức khỏe và có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của những nhà nhập khẩu khó tính nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, những điển hình về ứng dụng khoa học công nghệ như trên hiện nay rất cần đẩy mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực, là thế mạnh của vùng.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trúc Anh cho biết, để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững thì cần phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, cần phải xem khoa học công nghệ là kim chỉ nam, là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển.

Như vậy, lợi ích khi mà chúng ta ứng dụng, mời gọi hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước thì sản phẩm hàng hóa làm ra mới phát triển ổn định hơn, có giá trị gia tăng hơn.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, hàng năm Sở đều hỗ trợ các đề tài, dự án cho các viện, trường để nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Những công nghệ cao đã được ứng dụng như công nghệ PCR, công nghệ sinh học phân tử để xác định protein trong cá tra, xác định các giống cây thuần hóa để đưa vào sản xuất có hiệu quả như dâu Hạ Châu.

Bên cạnh đó, Sở cũng xây dựng sở hữu trí tuệ đối với các giống cây ăn trái nổi tiếng của Cần Thơ như mít Ba Láng không hạt, xoài Ô Môn, cam Phong Điền…để có thể đưa những sản phẩm có giá trị ra thị trường.

Cũng theo ông Phương, định hướng của thành phố là ứng dụng công nghệ cao để xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó sẽ đưa vào sản xuất một số giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, có khả năng chịu được các bệnh, chống lại dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá, đối với doanh nghiệp, khi ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thì sẽ tạo ra được những sản phẩm có số lượng, chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước cũng như nước ngoài, có thể cạnh tranh được trên thế giới.

Còn với nông dân, khi áp dụng khoa học - công nghệ cũng sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, ít nhất cũng có thể bán được thị trường trong nước. Và nếu làm tốt thì nông dân hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cùng các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Như vậy, nông dân sẽ hưởng được giá trị gia tăng hơn so với trước đây khi chưa áp dụng.

“Khi nông dân bán được sản phẩm ứng dụng khoa học – công nghệ thì tôi tin thu nhập của nông dân sẽ được tăng lên. Khi đó, người ta mới quay lại đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục