Phòng cháy, chữa cháy rừng - Bài 2: Dự báo sớm nguy cơ để ứng phó kịp thời

17:44' - 24/02/2020
BNEWS Hiện nay, nguy cơ cháy rừng ở một số tỉnh phía Nam, miền Trung đã bắt đầu gay gắt. Theo dự báo nhiều địa phương đã đến cấp V, nhiều diện tích rừng có nguy cơ từ cấp 3 trở lên chiếm đến 70%.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Cả nước đang có 25 tỉnh, thành phố có cảnh báo cháy rừng cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm, cùng với nhiều địa phương có cảnh báo cháy rừng cấp III, IV. Nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, rất nhiều diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao.

Trước tình hình trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguy cơ cháy rừng cũng như các giải pháp phóng cháy, chữa cháy rừng nếu có xảy ra.

Phóng viên: Xin ông cho biết nguy cơ cháy rừng ở các địa phương hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay, nguy cơ cháy rừng ở một số tỉnh phía Nam, miền Trung đã bắt đầu gay gắt. Theo dự báo nhiều địa phương đã đến cấp V, nhiều nơi diện tích rừng có nguy cơ từ cấp 3 trở lên chiếm đến 70% như Cà Mau, An Giang…
Hiện phía Bắc có nguy cơ thấp hơn, nguy cơ cao là khu vực Tây Bắc; nhiều tỉnh phía Nam, miền Trung hiện có nguy cơ cháy rừng rất rõ rệt. Cả nước đang có 25 tỉnh, thành phố đang có cảnh báo cháy rừng cấp V. Nguyên nhân là năm nay, khu vực miền Trung và miền Nam khô hạn đến sớm.
Trước tình hình trên, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách  về phòng cháy, chữa cháy rừng. Trước đó, khi bắt đầu bước vào mùa khô 2019 - 2020, Tổng Lâm nghiệp đã cục yêu cầu Chi cục Kiểm lâm địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về cảnh báo cháy rừng, phát hiện nguy cơ cũng như đám cháy sớm được cảnh báo trên website của Cục Kiểm lâm để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại nhất.
Phóng viên: Việc ứng dụng công nghệ đã và đang được triển khai như thế nào trong phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như hiệu quả mà nó đem lại?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Việc dự báo trước nguy cơ xảy ra cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy để có phương pháp án phòng cháy, chữa cháy rừng luôn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng nói chung.
Việc ứng dụng công  nghệ có thể giúp chúng ta phát hiện đám cháy sớm. Chẳng hạn chỉ có đám khói là có thể phát hiện qua ảnh vệ tinh. Thông qua thiết bị bay, chúng ta có thể nắm bắt thực trạng đám cháy để xác định các nguy cơ có thể xảy ra. Hay một số địa phương có chòi canh gác rừng, ở đó có thiết bị công nghệ cao có thể giúp sớm phát hiện ra các nguy cơ.
Bằng các biện pháp làm sao để phát hiện điểm cháy sớm nhất có thể. Như vậy, sau khi có các cảnh báo, các địa phương sẽ sớm kiểm tra, phát hiện ngay đám cháy để giảm tối thiểu thiệt hại.
Phóng viên: Theo ông, nguy cơ cháy rừng đến từ những hành vi như thế nào? Trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng là ai?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Rất nhiều hành vi có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng như: sử dụng lửa bất cẩn trong rừng, không đúng quy định; khi canh tác nương rẫy có sử dụng lửa…  Nguy cơ cũng có thể đến từ những gia đình sinh sống cạnh rừng sử dụng lửa không hợp lý. Sự chủ quan, lơ là của người sử dụng lửa rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.
Trách nhiệm đầu tiên là của chủ rừng. Chủ rừng phải có trách nhiệm trong bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, phá rừng, sau đó đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Chủ rừng chính là các công ty, doanh nghiệp, ban quản lý chứ không phải là người dân được nhận giao khoán rừng. Người nhận giao khoán cũng phải có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng theo cam kết, hợp đồng với chủ rừng.
Phóng viên: Qua kiểm tra thực tế ở địa phương, ông đánh giá thế nào về việc chuẩn bị cho phòng cháy, chữa cháy rừng năm nay?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Trong thời gian vừa qua, Tổng cục đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương, vườn quốc gia, ban quản lý rừng… Cơ bản các địa phương, đơn vị đã nhận thức được tác hại của cháy rừng và có các phương án chuẩn bị rất kỹ lưỡng như Cà Mau, An Giang...
Các lực lượng chức năng đã đi kiểm tra từ thực địa tới các phương án phòng chống cháy rừng; đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền các đơn vị nâng cao trách nhiệm của đơn vị cơ sở cũng như những khuyến cáo của ngành với địa phương.
Khuyến cáo của ngành trong phòng cháy, chữa cháy rừng là nếu chúng ta không chủ động, phòng cháy tốt thì nguy cơ rất khôn lường. Do đó, trong phòng cháy, chữa cháy rừng điều quan trọng đầu tiên là phòng cháy. Theo đó, địa phương phải tích cực tuyên truyền tới những hộ gia đình về việc sử dụng lửa trong rừng, hộ sinh sống cạnh rừng… đúng quy định.
Địa phương cơ sở cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ để có sự chuẩn bị cũng như tuyên truyền, vận động, xử lý sự cố kịp thời. Các đơn vị phải có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nếu có cháy rừng xảy ra, các bước triển khai phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Lực lượng phải huy động tối đa; phân công người chỉ huy rõ ràng. Khi chữa cháy rừng phải nắm được nguyên tắc cơ bản là đảm bảo tính mạng của người dân, người tham gia chữa cháy rừng, an toàn tài sản của người dân, giảm thiệt hại tối đa về rừng. Sau khi cháy phải điều tra, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục thiệt hại cụ thể.
Phóng viên: Việc đầu tư trang thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy rừng hiện nay như thế nào? Ông có khuyến cáo gì người dân và địa phương trong nhiệm vụ này?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Về đầu tư trang thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy rừng, hầu hết các tỉnh đều có các dự án về nâng cao năng lực trong nhiệm vụ này, tùy theo cấp độ, địa phương phê duyệt. Hầu hết các địa phương, đơn vị chưa được trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy thật hiện đại nhưng cũng đủ để tham gia chữa cháy rừng. Các thiết bị này hàng năm cần bổ sung, sửa chữa, bảo dưỡng thì mới đảm bảo cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
Như tôi đã nói, các địa phương, chủ rừng phải thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo, dự báo phát hiện cháy sớm của Cục Kiểm lâm để từ đó xác định cụ thể các đám cháy, ứng phó kịp thời; xây dựng tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; trong đó có phương án 4 tại chỗ; đồng thời thường xuyên rà soát, bổ khuyết để phù hợp với từng thời điểm.
Ngành thường xuyên khuyến cáo các địa phương làm tốt việc tuyên truyền với người dân, khách du lịch… các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp trong rừng và cạnh rừng để làm sao hoạt động của họ hiệu quả và an toàn, tránh nguy cơ cháy rừng.
Các Chi cục Kiểm lâm địa phương chỉ đạo các chủ rừng thường xuyên kiểm tra, rà soát để sớm phát hiện các điểm có nguy cơ cháy cao; từ đó tổ chức canh gác để nhằm hạn chế  thấp nhất các nguy cơ có thể xảy ra. Các đơn vị chức năng cũng phải chuẩn bị lực lượng, sự phối hợp trong cả chỉ huy và lực lượng chữa cháy để việc chữa cháy rừng đem lại hiệu quả nhất.
Phóng viên:Xin cảm ơn ông!./.

Xem thêm:

>>Phòng cháy, chữa cháy rừng - Bài 1: Vai trò quan trọng của chủ rừng

>>Cảnh báo cháy rừng Vườn chim Bạc Liêu cấp cực kỳ nguy hiểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục