Phòng chống dịch cúm gia cầm tại Tp. Hồ Chí Minh: Chính quyền quyết tâm, người dân lơ là

17:29' - 08/03/2017
BNEWS Trong khi dịch cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương lân cận như Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai thì tại Tp. Hồ Chí Minh người dân chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Phòng chống dịch cúm gia cầm tại Tp. Hồ Chí Minh: Chính quyền quyết tâm, người dân lơ là. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Tình trạng gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được mua, bán công khai.

Thống kê của Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 2, trên địa bàn thành phố tồn tại 159 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại 15 quận, huyện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm.

Ghi nhận thực tế, gia cầm sống trái phép chủ yếu được bày bán công khai tại các quận, huyện vùng ven, ngoại thành hoặc những địa bàn giáp ranh giữa các địa phương như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức….

Đường Phạm Hùng, đoạn giáp ranh giữa Quận 8 và huyện Bình Chánh lâu nay thường xuyên có 5 - 7 điểm bán gia cầm sống trên lề đường.

Gia cầm bán ở đây được buộc vào nhau để dễ di chuyển khi có lực lượng kiểm tra.

Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, một người bán hàng khẳng định, gà nhà nuôi ở Long An đảm bảo an toàn.

Vựa gia cầm sống trên đường Bình Chiểu, đối diện Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chiều chiều lại tấp nập cảnh bán - mua.

Chị H, chủ vựa cho biết, mỗi ngày chị bán hàng trăm con gà, vịt, bồ câu, chim cút nên số lượng nhập mỗi lần lên tới hàng nghìn con.

Gia cầm bán ở đây nhập từ các tỉnh miền Tây, với giá 110.000 đồng/kg gà, vịt xiêm 40.000 - 50.000 đồng/kg….

Lựa 2 con gà đãi khách, chị Phan Thị Lành, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bình Chiểu cho biết, gia đình chị là khách ruột của vựa gia cầm từ nhiều năm nay.

Dù dịch cúm gia cầm xuất hiện tại các địa phương lân cận nhưng chị Lành và nhiều người mua vẫn không hề lo lắng. “Chỗ này bán lâu năm rồi, có uy tín rồi, không bán gà, vịt bị dịch đâu”, chị Lành tin tưởng.

Không chỉ buôn bán gia cầm sống, hiện nhiều hộ gia đình tại các địa phương vùng ven vẫn nuôi và thả rông gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Tám, ấp 1, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh cho biết, gia đình nuôi gà chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, thỉnh thoảng bán cho người quen; gà đã nuôi nhiều năm nhưng cũng chưa xảy ra dịch ngay cả thời điểm khu vực xung quanh bị dịch.

Trung tâm Y tế Dự phòng Tp. Hồ Chí Minh cảnh báo, dịch cúm gia cầm có nguy cơ cao xâm nhập vào Thành phố bởi một số tỉnh đã xuất hiện dịch; gần nhất là Đồng Nai, tỉnh giáp ranh với Tp. Hồ Chí Minh.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày Tp. Hồ Chí Minh nhập khoảng 80.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Lượng gia súc, gia cầm chủ yếu nhập từ 5 tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Trước thực tế trên, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các quận, huyện bố trí lực lượng chốt chặn thường xuyên; kiểm tra, xử lý dứt điểm không để tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn.

Là một quận cửa ngõ phía đông Thành phố, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, quận Thủ Đức có tình trạng buôn bán gia cầm khá phức tạp.

Ông Trảo An Hà, Trạm trưởng Trạm Thú y Thủ Đức cho biết, gần một tháng nay, lực lượng kiểm tra liên ngành của quận Thủ Đức thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, ngăn chặn buôn bán gia cầm còn gặp nhiều trở ngại; đặc biệt là các điểm bán lưu động.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh, nếu người bán và người mua gia cầm vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch cúm thì việc kiểm tra chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Khi mình đi kiểm tra thì dẹp được nhưng khi đoàn kiểm tra rút lui, các điểm bán gia cầm sống lại tái diễn, không thể xử lý triệt để”, ông Phát cho hay.

Theo ông Phát, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, các địa phương quyết liệt trong xử phạt theo đúng quy định. Đồng thời, địa phương quản lý chặt nhân thân của những hộ dân kinh doanh gia cầm sống trái phép để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở.

Song song với hoạt động của các địa phương, Chi cục Thú y Thành phố chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát các cửa ngõ của thành phố để xử lý nguồn gia cầm không rõ nguồn gốc trước khi vào thành phố.

Đồng thời, tăng tần suất lấy mẫu đối với nguồn gia cầm đưa vào giết mổ ở Tp. Hồ Chí Minh.

Chi cục Thú y Thành phố cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An để xử lý các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc; kịp thời thực hiện các biện pháp khống chế và ngăn chặn khi có dịch cúm gia cầm xảy ra.

>> Các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục