Phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL - Bài 1: Thuận thiên thích ứng

07:21' - 16/04/2024
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết phản ánh những kinh nghiệm và sự chủ động thích ứng, cũng như giải pháp lâu dài cho xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, nuôi trồng, chế biến thủy sản, cây ăn trái… và đây cũng là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

 

Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy lúa Đông Xuân khoảng 1,5 triệu ha. Qua 2 tháng mặn xâm sâu vào khu vực này, lượng nước tích trữ được từ các kênh mương nội đồng, bồn, chum, vại đã được sử dụng gần hết khiến cho đời sống và sản xuất của người dân khu vực này đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trải qua bao đời bám đất, bám ruộng, tác động hạn mặn ngày càng được tiết chế tốt hơn với việc dự báo sớm, đầu tư các công trình thủy lợi và có kế hoạch ứng phó trong sản xuất theo hướng thuận thiên.

Thông tấn xã thực hiện chùm bài viết phản ánh những kinh nghiệm và sự chủ động thích ứng, cũng như giải pháp lâu dài cho xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài 1: Thuận thiên thích ứng

Tình trạng xâm nhập mặn năm 2024 khốc liệt hơn những năm trước đây. Thế nhưng, “cố thủ” trước xâm nhập mặn khiến cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gồng mình chống chịu. Trong khi đó, thời gian diễn biến xâm nhập mặn chỉ diễn ra trong thời gian từ 1 đến hơn 2 tháng. Vì vậy, nhiều địa phương đã dần thích ứng và thuận theo diễn biến khí hậu này.

Chuyển đổi cây trồng thích ứng mùa khô hạn

Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã phân chia khu vực này thành 3 tiểu vùng. Lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan. Vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đó là vùng lợ với chế độ nước luân phiên. Nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn, lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước mặn, lợ vào mùa khô để nước mặn, lợ là cơ hội chứ không phải là nỗi ám ảnh. Vùng thứ ba là sát ven biển, mặn quanh năm nên phải phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ đó.

Nhờ đó, các địa phương khu vực vùng biển đã có kinh nghiệm sản xuất thích ứng với điều kiện tự nhiên nước mặn và nước lợ. Khi xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian cục bộ, kinh nghiệm sản xuất tại các địa phương có nước mặn, nước lợ chính là những bài học để những nơi bị xâm nhập mặn cục bộ trong thời gian ngắn có thể học hỏi và chuyển đổi.

Trong khi nhiều địa phương loay hoay cho loại cây trồng, con giống thích ứng hạn mặn, thiếu nước trong thời gian ngắn thì tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã có hàng trăm hộ dân không phải lo lắng cho sản xuất vào mỗi mùa khô hạn trong hơn 10 năm qua. Theo bà  Nguyễn Thị Mai, sinh sống tại đây chia sẻ, gia đình trồng 2.000 m2 xoài, cho thu nhập khá mỗi năm.

Nhưng khi nhận thấy cây sa sâm biển dễ trồng, lại ít tốn nước tưới, chịu hạn lâu nên bà Mai đã quyết định trồng xen loại cây này để tăng thêm thu nhập. Với 2.000 m2 trồng xen sa sâm, cho thu hoạch rau tươi 10 kg/ngày, bán ra với giá 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, đó là chưa tính thu nhập từ củ sa sâm. Trong 3 năm qua, vào mỗi lúc hạn gây gắt, vườn xoài cho thu nhập cầm chừng thì bà Mai vẫn có thu nhập đều đặn từ vườn sa sâm.

Ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú chia sẻ, cây sa sâm trồng trên địa bàn huyện Thạnh Phú mang lại thu nhập tốt cho người dân trong thời điểm bị xâm nhập mặn gay gắt. Đây vừa là một loại rau, vừa là một loại dược liệu quý nên đã được doanh nghiệp liên kết, chuyển giao sản xuất và thu mua toàn bộ cho người dân 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải trên địa bàn. Do đó, người sản xuất chỉ cần tập trung tạo ra sản phẩm tốt mà không cần phải lo đầu ra, dù trong thời điểm khắc nghiệt nắng nóng, kho hạn hiện nay.

Phát huy kinh nghiệm sản xuất bản địa

Hạ lưu sông Cửu Long là khu vực nước lợ, nhiều địa phương cũng đã có kinh nghiệm sản xuất bản địa để sinh tồn trong điều kiện thiếu nước ngọt. Do đó, các loài cây trồng, vật nuôi bản địa vốn đã tồn tại lâu đời chỉ cần được sử dụng và phát huy đúng thời điểm sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sánh - chuyên gia phân tích chính sách Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề quan trọng trong thích ứng với xâm nhập mặn hiện nay tại khu vực này là mở ra hướng đi lớn kết hợp giữa giá trị bản địa truyền thống và giá trị hiện đại của các loại cây trồng bản địa; trong đó có cây sa sâm.

Ngoài giá trị truyền thống là cho củ khai thác dược liệu, cây sa sâm còn có giá trị kinh tế cao khi thu hoạch lá, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, đây cũng là một "ứng cử" để chính quyền địa phương xem xét, đưa kế hoạch phát triển cây sâm biển tại địa phương. Mục tiêu là mỗi làng sẽ có một sản phẩm, giúp người dân có cuộc sống ổn định phát triển bền vững. Đặc biệt, có thể phát triển ngay cả trong điều kiện thiếu nước tưới, giúp nông dân ổn định cuộc sống hơn.

Đánh giá về loại cây bản địa, nhưng có nhiều giá trị dược liệu như cây sa sâm, ông Phù Tường Nguyên Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sa sâm Việt cho biết, trong củ sa sâm có các hoạt chất có tác dụng rất tốt với sức khoẻ là Saponin 12,54% giúp thanh lọc cơ thể ở cấp tế bào. Polyphenol là chất chống oxy hóa 290,9 mg/g, cao hơn rất nhiều lần so với hàng trăm loại dược liệu khác trên thế giới, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý gây hại đến sức khỏe. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ cao để sản xuất trên vùng đất cồn Bửng, huyện Thạnh Phú; đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất cho làng sa sâm với diện tích 30 ha và bao tiêu sản phẩm của người dân nơi đây.

Với đường bờ biển dài hơn 65 km, tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển cây sa sâm, vừa tăng diện tích sản xuất dược liệu cho ngành dược liệu Việt Nam cũng là giải pháp giúp người dân khu vực biển cải thiện thu nhập vì đây là loại cây trồng xen, không mất thời gian chăm sóc, cũng như lượng nước tưới ít. Chỉ cần tưới cho vườn chính thì sa sâm cũng đã sử dụng lượng nước này.

Đặt nhiều tâm huyết phát triển cây sa sâm cũng như con đường sinh nhai cho nông dân ven biển, ông Dũng cho biết đã hợp tác với Công ty Việt Distribution (thuộc Tập đoàn GM Hoa Kỳ, có hệ thống phân phối tại hơn 16 quốc gia) phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế. Từ đó, giúp người trồng sa sâm an tâm sản xuất, dù diện tích nhỏ hay lớn đều có thể sống được.

Phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL - Bài 2: Đồng thuận vượt qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục