Phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL - Bài cuối: Hệ quả từ việc chủ động

08:12' - 16/04/2024
BNEWS Nước Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều tiết vận hành của các hồ chứa thượng nguồn. Nếu thượng nguồn vận hành khác thường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này.

Cao điểm khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã qua. Song tình trạng này vẫn còn khả năng kéo dài đến hết tháng 5. Nhìn lại quá trình ứng phó, không chủ quan với thời gian còn lại của mùa khô, cũng như những giải pháp lâu dài cho khu vực này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Phóng viên: Xin ông thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua? Ông có nhận định gì về thời gian còn lại của mùa khô 2023-2024?

Phó Cục trưởng Lương Văn Anh: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng gia tăng khai thác nước ở thượng nguồn sông Mê Công, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, đáng chú ý nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Bởi vậy, tại các cửa sông, xâm nhập mặn vào sâu hơn với trung bình nhiều năm và sâu hơn so với năm 2023 khoảng từ 2 - 4 km, với độ mặn khoảng 1 g/l.  Tại Cửa Tiểu - Cửa Đại vào ngày 6 – 10/3 và ngày 23 – 27/3 xâm nhập mặn vào sâu hơn 4 - 5 km.

Tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, xâm nhập mặn vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-6 km, nhưng so với năm 2015 thì xâm nhập mặn vẫn còn thấp hơn 41 km và so với năm 2019 thì thấp hơn 61 km. Như vậy, xâm nhập mặn năm nay thấp hơn nhiều so với 2 năm cao điểm.

Hiện toàn vùng có khoảng 300 ha lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, có nguy cơ giảm năng suất; trong đó, Sóc Trăng khoảng 250 ha, Bến Tre có 50 ha. Ngoài ra, đã có 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.

Thời gian vừa qua, đặc biệt vào hai thời điểm cao điểm xâm nhập mặn tháng 3, kết hợp với gió chướng đã gây ra ảnh hưởng đến sản xuất lúa, cây ăn trái, nước sinh hoạt của người dân. Bởi, ngay thời điểm đó, các nhà máy cấp nước cũng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên không thể lấy được nước. Người dân cũng có chút chủ quan nên tích trữ nước sinh hoạt không đủ trong hai đợt cao điểm vừa rồi. Sau 2 đợt cao điểm đó, các nhà máy cũng điều chỉnh phù hợp quá trình vận hành khai thác cho các đợt cao điểm đợt tới.

Trong tháng 4, có 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 7 - 11/4 và ngày 23 - 27/4. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo các đơn vị quản lý vận hành khai thác nhà máy nước phải vận hành tích trữ nước trước mỗi lần cao điểm xâm nhập mặn. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động tích trữ để sử dụng trong những ngày cao điểm đó. Do đó, trong đợt xâm nhập mặn tháng 4, số hộ bị thiếu nước sinh hoạt cũng sẽ giảm nếu tuân thủ khuyến cáo.

Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra; riêng ở khu vực Vàm Cỏ và một vài sông còn có thể kéo dài đến tháng 5. Từ ngày 6 - 17/5 cũng là một trong những đợt cao điểm vẫn có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn. Hạn mặn sẽ kéo dài hết tháng 5, nhưng trong tháng 5 xâm nhập mặn sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với cao điểm tháng 3 vừa qua.

Đây là dự báo, nhưng chúng ta cũng không chủ quan. Bởi Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào 95% nguồn nước từ thượng nguồn chảy về. Nước Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều tiết vận hành của các hồ chứa thượng nguồn. Nếu thượng nguồn vận hành khác thường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này.

Phóng viên: Như ông chia sẻ, đã có 43 ha lúa ở Sóc Trăng bị mất trắng. Cao điểm cũng đã có hàng chục nghìn hécta lúa có nguy cơ xâm nhập mặn do sản xuất không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Liệu có việc các địa phương “xé rào” không tuân thủ thời vụ?

Phó Cục trưởng Lương Văn Anh: Qua các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy lợi nhận thấy, khi có các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, các địa phương cũng đã vào cuộc chỉ đạo triển khai ngay. Những diện tích bị thiệt hại là sự tổng hợp từ các hộ, khu vực nhỏ. Đây không phải là diện tích sản xuất tập trung, nên nông dân không chú ý những khuyến cáo.

Ngay từ tháng 9/2023, Cục Thủy lợi đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản khuyến cáo các địa phương đẩy sớm thời vụ. Có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.

Đến nay, các địa phương trong vùng đã thu hoạch được 87% diện tích. Vào thời điểm cao điểm tháng 3, lúa cũng vào giai đoạn chín, không có nhu cầu nhiều nước nên hệ thống thủy lợi đã kiểm soát điều tiết.

Về cây ăn trái, người dân Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn nên họ đã đào ao, các rãnh, mương nhỏ… để tích nước trước cao điểm xâm nhập mặn.

Cao điểm vừa qua có khoảng 73.900 hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; trong đó nhiều nhất là Bến Tre là 25.000 hộ và tiếp đến là Kiên Giang với 20.000 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Long An khoảng 4.900 hộ…

Số hộ này chỉ thiếu trong thời điểm rất ngắn. Đó là thời điểm triều cường cao điểm trong 2 đợt của tháng 3.  Qua 2 đợt đó, địa phương tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phối hợp trữ nước để có nước sử dụng khi vào hạn mặn cao điểm.

Phóng viên: Vừa qua, Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Phó Cục trưởng Lương Văn Anh: Tiền Giang là địa phương có rất nhiều vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tỉnh công bố là để tất cả các cấp hệ thống chính trị, các cấp chính quyền cùng vào cuộc để có những chỉ đạo ứng phó sát sao và chủ động đưa ra các khuyến cáo ứng phó.

Bên cạnh đó là để người dân có ý thức trước tình trạng hạn mặn gay gắt và chủ động có những giải pháp tích trữ nước cho sản xuất, cây trái, nước sinh hoạt. Nếu không khi chủ quan mà lấy nước đúng những thời điểm đã bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới sản xuất, sinh hoạt.

Tiền Giang cũng như các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay khi vào mùa khô, chính quyền địa phương và người dân chủ động từ rất sớm và có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt là sau khi có các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian đỉnh điểm của xâm nhập mặn đã gây thiếu nước sinh hoạt ở một số nơi nhưng trong thời gian rất ngắn. Song các địa phương đã nhanh chóng, chủ động cấp nước cho người dân, không xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt. Đây là chỉ đạo và ứng phó rất kịp thời.

Còn phần diện tích lúa nhỏ bị mất trắng do những hộ dân đơn lẻ tự phát sản xuất. Nhưng đây cũng là điều cơ quan chuyên môn địa phương cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, để chuyển tới người dân nắm được các thông tin dự báo, cũng như khuyến cáo.

Bởi, khi đã đẩy sớm thời vụ và đã thu hoạch xong, người dân lại thấy tiếc nuối và tiếp tục xuống giống, nhất là đang vào cao điểm hạn mặn. Địa phương cần khuyến cáo nông dân lùi thời gian xuống giống một chút là sẽ có một vụ mùa an toàn, hiệu quả.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các công trình thủy lợi đã được đầu tư trong thời gian vừa qua? Việc đầu tư vào các công trình nhằm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn thời gian tới cho khu vực này sẽ như thế nào, thưa ông?

Phó Cục trưởng Lương Văn Anh: Như chúng ta đã thấy, các hệ thống thủy lợi thời gian vừa qua đã chứng minh được hiệu quả trong phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Điển hình là hệ thống thủy lợi khép kín dọc các sông, kênh và hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã vận hành chủ động kiểm soát xâm nhập mặn khá tốt.

Khi vào cao điểm, nhiều cửa sông có thể bị xâm nhập mặn vào sâu hơn 100 km, với độ mặn 1g/l. Vào thời điểm đó, toàn bộ hệ thống thủy lợi gần như đã khép kín, việc lấy nước đã được chủ động trong thời gian trước đó. Khi vào cao điểm mặn, hệ thống thủy lợi sẽ vận hành và giữ lại lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Do đó, việc vận hành các hệ thống thủy lợi vô cùng quan trọng. Bởi khi triều cường rút, phải nhanh chóng mở các hệ thống thủy lợi để lấy nước ngọt, bơm vào các hệ thống tích trữ. Điều này cũng giúp làm giảm ô nhiễm mô trường trong các dòng kênh và dòng sông.

Hiện nay, khu vực huyện Trần Văn Thời, Cà Mau không có nguồn nước ngọt được bổ sung, chỉ có nước tích trữ từ các hệ thống thủy lợi, từ các hồ chứa của mùa mưa để dùng cho mùa khô. Do đó, khu vực này năm nào cũng xảy ra hiện tượng sạt lở. Về lâu dài, khu vực này phải được đầu tư hệ thống thủy lợi để chuyển nước ngọt về khi vào mùa khô. Đồng thời, địa phương cũng cần tính đến phải chuyển đổi cây trồng, chẳng hạn chỉ sản xuất 1 vụ lúa kết hợp 1 vụ tôm.

Về dài hạn, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó là các giải pháp tổng thể về hệ thống công trình thủy lợi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch này đã tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tính đến những ảnh hưởng của nguồn nước thượng nguồn bị thay đổi... Theo đó, khu vực cũng đã có danh mục công trình thủy lợi theo thứ tự ưu tiên.

Ngoài ra, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục có các công trình cụ thể hơn cho khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều kênh, rạch, sông và đều có liên thông với nhau. Nếu chúng ta không có những quy hoạch tổng thể, có những tính toán tổng thể thì việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả không cao. Việc đầu tư cũng không thể “nhỏ giọt” mà cần tính đến khép kín dần cho khu vực này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL - Bài 1: Thuận thiên thích ứng

Phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL - Bài 2: Đồng thuận vượt qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục