Phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân: Cách nào hiệu quả?

13:02' - 28/07/2020
BNEWS Đây là lần đầu tiên, Luật Phòng chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước.

Tại hội thảo "Tham vấn Báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng" do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện Chính phủ Vương quốc Anh phối hợp với Dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng 28/7 ở Hà Nội, các chuyên gia nghiên cứu, giới luật gia, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng để hoàn thiện dự thảo báo cáo đánh giá này.

 

Đánh giá mức độ cần thiết của báo cáo nghiên cứu, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, trên cơ sở của báo cáo này sẽ giúp Thanh tra Chính phủ xây dựng hướng dẫn cho doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-Cp ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật này.

Báo cáo đã phân tích các quy định hiện hành của Luật Phòng chống tham nhũng liên quan tới doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước để phát hiện các điều khoản không rõ ràng, cần phải có giải thích hoặc hướng dẫn để doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện.

Cùng với đó, phân tích các kinh nghiệm quốc tế tốt để hướng dẫn cho khu vực ngoài Nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng với những ví dụ có thể áp dụng cho Việt Nam.

Ngoài ra, phân tích các ý kiến của chuyên gia, các bên liên quan thu thập được qua quá trình khảo sát về quy định của Luật và Nghị định dành cho khu vực ngoài Nhà nước.

Đây là lần đầu tiên, Luật Phòng chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được ban hành; trong đó có 10 điều luật quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước, gồm cả các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp...

Điểm qua những nội dung chính của báo cáo, bà Đỗ Thanh Thủy, Chuyên gia của UNDP cho biết, báo cáo đã có sự phân định rõ ràng nhóm các quy định phòng chống tham nhũng áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước hay áp dụng riêng đối với từng loại hình doanh nghiệp cùng với nhóm quy định nhằm bảo đảm liêm chính trong hoạt động kinh doanh và tuân thủ quy định về phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước.

Báo cáo cũng đề cập tới việc xây dựng cơ chế kiểm soát từ bên ngoài hay cơ chế tự kiểm tra của doanh nghiệp, tổ chức nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng. Những việc này đòi hỏi trong quy chế, điều lệ của doanh nghiệp phải có các biện pháp tự kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng được tuân thủ một cách đúng đắn với cơ chế kiểm soát thông qua hoạt động phản ánh, tố cáo.

Báo cáo cũng giúp kiểm soát việc tuân thủ các quy định về phòng ngừa tham nhũng, đảm bảo liêm chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức.

Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Thủy đề xuất kiến nghị, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực Nhà nước hay các hiệp hội cần nhận thức tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng để từ đó chủ động thực hiện trong cơ quan, đơn vị; đồng thời, có các quy định rõ ràng trong điều lệ, quy định của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về các trách nhiệm ấy.

Ngoài ra, chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ. Điều này cần áp dụng bắt buộc đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội...

Từng có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc, khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp dân doanh qua các chương trình, dự án nghiên cứu về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, để phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân hiệu quả cần có tư duy: "Know-how" phải quan trọng hơn "Know-who?" nghĩa là doanh nghiệp phải trang bị kiến thức, năng lực xử trí tình huống, biết cách vận hành và làm việc sao cho hiệu quả thay vì chỉ cần biết đến ai đó sẽ giúp mình.

Luật chơi cần phải được thực thi một cách rõ ràng với những quy tắc ứng xử và đạo đức... được đề ra ngay từ đầu. Tính minh bạch phải được đề cao và rõ ràng ngay trong việc đóng thuế của các hộ kinh doanh hay trong việc giao đất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, cần phải có cơ chế tiếp nhận thông tin phản hồi tốt để đảm bảo hiệu quả phòng, ngừa tham nhũng, tránh việc đi lòng vòng, không đến đúng người, xử lý không đúng việc. Cuối cùng, cần phải có nhiều bên giám sát như các cổ đông, của người tiêu dùng, của báo chí hay các tổ chức độc lập cùng tham gia vào quá trình phòng chống tham nhũng trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Về phía Nhà nước, ông Tuấn kiến nghị, cần hoàn thiện chính sách và quy trình, đừng để doanh nghiệp kinh doanh tử tế, minh bạch chịu thiệt thòi. Nhà nước cần có những chuẩn mực đạo đức, đưa ra những thông điệp về yêu cầu chất lượng doanh nghiệp. Chống tham nhũng không chỉ là sửa luật mà còn ở cả quy trình, sửa đổi quy trình hành chính tác động rất lớn đến giảm thiểu tham nhũng, chẳng hạn như quy trình tiếp nhận và xét xử các vụ án kinh tế....

Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, cần tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật; đặc biệt liên quan tới hoạt động phòng chống tham nhũng. Song song đó, nên cùng với các cơ quan Nhà nước tham gia vào việc giám sát, đánh giá việc thực thi pháp luật và đối thoại để hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục