Phú Yên giám sát đo chữ đường tại doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu

19:31' - 08/05/2023
BNEWS Phú Yên giám sát đo chữ đường tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam.

Ngày 8/5, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty thu mua mía đường, Tổ liên ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có làm việc với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam (gọi tắt là Công ty KCP Việt Nam, địa chỉ huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Tổ công tác liên ngành đã tiến hành kiểm tra các thiết bị, phương tiện đo lường chất lượng mía nguyên liệu; kiểm tra quy trình lấy mẫu mía nguyên liệu để tính tỷ lệ tạp chất, xác định chữ đường (CCS) và giám sát việc thực hiện công bố hợp quy của công ty. Các nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện dựa trên quy định tại Thông tư 29/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu.

Qua kiểm tra, Tổ liên ngành xác định, việc lấy mẫu mía nguyên liệu để xác định tỷ lệ tạp chất được Công ty KCP Việt Nam thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính khách quan. Công ty cũng đã tiến hành lấy mẫu mía nguyên liệu để xác định chữ đường bằng hệ thống máy móc tự động; công khai kết quả và lưu mẫu đầy đủ, minh bạch.

 

Tổ công tác đã yêu cầu Công ty KCP Việt Nam có giải pháp tuyên truyền vận động người dân chú trọng trong việc thu hoạch mía để tránh tỷ lệ tạp chất cao ảnh hưởng đến chất lượng; sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân giám sát quá trình lấy mẫu xác định tỷ lệ tạp chất và đo chữ đường; tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, các quy trình lấy mẫu mía nguyên liệu để xác định tỷ lệ tạp chất và đo chữ đường đều được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công ty cũng phối hợp với Ban Điều hành chương trình mía đường địa phương để thực hiện việc này một cách minh bạch, khách quan và người nông dân hoàn toàn được vào bên trong nhà máy để giám sát quá trình thực hiện. Trong trường hợp nghi ngờ việc xác định tạp chất và chữ đường, nông dân có quyền lấy mẫu để cùng cơ quan chức năng xác định lại. Ngoài ra, công ty cũng đã có chính sách hỗ trợ tỷ lệ tạp chất trong mía nguyên liệu và bảo hiểm chữ đường cho nông dân.

Công ty KCP Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc Tập đoàn KCP từ Ấn Độ. Công ty hiện đang vận hành nhà máy đường tinh luyện với công suất 10.000 tấn mía cây/ngày tại huyện Sơn Hòa và nhà máy đường với công suất 1.000 tấn mía cây/ngày tại huyện Đồng Xuân.

Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tạo được sự minh bạch, khách quan trong đo chữ đường và xác định tạp chất mía nguyên liệu. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát nội dung này và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận trong quá trình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Trong thời gian tới, Tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty mía đường khác trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã có bài phản ánh tình trạng nông dân trồng mía ở tỉnh Phú Yên có nhiều băn khoăn về cách tính chữ đường (CCS) để xác định giá thu mua mía nguyên liệu. Quy trình xác định chữ đường được thực hiện bằng máy móc tại nhà máy chế biến đường nên người dân khó giám sát trực tiếp. Do vậy, nông dân trồng mía kiến nghị cần có một đơn vị độc lập hoặc cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát vấn đề này để đảm bảo sự minh bạch, khách quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục