Phú Yên khuyến cáo ngư dân không tự cải hoán tàu cá

20:12' - 14/09/2019
BNEWS Chi cục Thủy sản Phú Yên khuyến cáo, người dân không tự ý cải hoán tàu cá, cần tuân thủ trình tự, thủ tục, hướng dẫn của các cơ quan chức năng khi cải hoán tàu cá để tránh những rủi ro.
Ngư dân tháo dỡ một phần thân tàu cá dưới 15 m để cải hoán dài trên 15 m tại khu kéo, sửa chữa tàu ở cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Để tàu cá đạt chiều dài trên 15m, đủ tiêu chuẩn được khai thác thủy sản ở vùng khơi, nhiều ngư dân ở Phú Yên đã bỏ hàng trăm triệu đồng cải hoán, nối dài tàu cá khi chưa được sự hướng dẫn, chấp thuận từ ngành chức năng.

Chi cục Thủy sản Phú Yên khuyến cáo, người dân không tự ý cải hoán tàu cá, cần tuân thủ trình tự, thủ tục, hướng dẫn của các cơ quan chức năng khi cải hoán tàu cá để tránh những rủi ro.
Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 3/2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 có quy định tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng như trước.

Ngày 2/5/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS giao hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi cho các địa phương, Phú Yên có 451 tàu cá đánh bắt thủy sản có chiều dài từ 15m trở lên được cấp Giấy phép khai thác hải sản vùng khơi.

Ngoài ra, Phú Yên còn 730 tàu cá có công suất trên 90CV có chiều dài dưới 15m không được cấp phép, các tàu này trước đây đánh bắt ở vùng khơi nay phải đánh bắt ở vùng lộng hoặc ven bờ.

Quy định về hạn ngạch khai thác thủy sản là thực sự cần thiết, nhằm tăng cường quản lý hướng nghề cá có trách nhiệm, tuy nhiên khi triển khai về các địa phương đã phát sinh những bất cập, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề, nhiều tàu đánh bắt thua lỗ, thậm chí phải nằm bờ.

Trong khi chờ đợi ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhiều ngư dân Phú Yên đã “tự bơi” bằng việc tự cải hoán tàu cá, khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, bất chấp những rũi ro có thể mang lại.

Ghi nhận của phóng viên ngày 13/9 ở khu vực kéo, sữa chữa tàu cá tại Cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa.

Không khí nhộn nhịp hơn rất nhiều so với ngày thường, ngoài các tàu cá đang sơn sữa, thay mới các thiết bị, một số tàu có biển hiệu PY96768TS, PY 90479TS…các đang được các công nhân tháo dỡ, cải hoán, nối thêm chiều dài cho thân tàu.

Cải hoán tàu cá tại khu kéo, sửa chữa tàu ở cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Ngư dân Nguyễn Văn Khoa, phường 6, thành phố Tuy Hòa nói, sau khi có quy định tàu có chiều dài dưới 15m không được đánh bắt thủy sản ở vùng khơi, tàu cá của gia đình phải di chuyển vùng đánh bắt (vùng lộng), tuy nhiên, hơn một tháng nay việc đánh bắt thủy sản ở vùng lộng thua lỗ, tàu phải nằm bờ, chúng tôi phải tự cải hoán tàu để được đi đánh bắt cá ở vùng khơi, chứ chờ chính sách thì không biết đến khi nào.

Tương tự, ngư dân Võ Quốc Tọai chủ tàu cá PY96768TS cho biết, hơn một tháng nay, tàu của gia đình không đi đánh bắt thủy sản mà nằm bờ cải hoán nối dài thân tàu thêm 3m nữa để được khai thác thủy sản vùng khơi.

Theo anh Toại, gia đình thuê nhân công tự cải hoán tàu cá chứ không có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nào.

Việc cải hoán tàu dài thêm 3m rất tốn kém (khoảng 400 đến 500 triệu đồng), thế nhưng để tiếp tục được bám biển, bám ngư trường, anh đã quyết tâm vay mượn tiền để cải hoán tàu cá.

Ông Trần Minh Sơn, một cán bộ sữa chữa tàu tại cảng cá Đông Tác chia sẻ, để cải hoán một tàu cá dài thêm 2m phải mất thời gian khoảng 2 tháng với 7 nhân công làm hai buổi sáng, chiều, kinh phí để cải hoán tàu cá thường dao động từ 200-300 triệu đồng, bao gồm tiền mua gỗ, đinh sắt, công thợ, tàu nào cải hoán dài hơn nữa thì kinh phí sẽ cao hơn.

"Chúng tôi được thuê cải hoán tàu theo ý của chủ tàu chứ không biết tàu đã được cho phép cải hoán chưa".

Cải hoán tàu cá tại khu kéo, sửa chữa tàu ở cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Trao đổi với TTXVN, ông Đào Quang Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh Phú Yên khẳng định, ngoài 451 tàu cá có chiều dài trên 15m được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác thủy sản ở vùng khơi.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên chưa nhận được hồ sơ cũng như chưa chấp thuận cho tàu cá có nhu cầu được cải hoán (trên 15m), vì vậy, việc chủ tàu tự ý cải hoán tàu cá là trái quy định.

Việc người dân tự ý cải hoán tàu cá tiềm ẩn hai rủi ro lớn, thứ nhất nếu người dân tự ý cải hoán không được sự đồng ý của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt theo quy định.

Thứ hai tàu sau khi được ngư dân tự ý cải hoán sẽ không được cấp phép khai thác ở vùng khơi do không có hạn ngạch, đồng thời cũng không thể khai thác thủy sản ở vùng lộng do tàu đã cải hoán trên 15m.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên Đào Quang Minh cho biết thêm, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS giao hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi cho các địa phương, đã phát sinh một số vướng mắc, ngư dân có tàu chiều dài  dưới 15m nhưng công suất máy 90CV trở lên có nhiều kiến nghị đến cơ quan chức năng.

Để giải quyết những khó khăn, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy sản theo đúng giấy phép được các cấp có thẩm quyền cấp, theo Luật Thủy sản năm 2017, khuyến cáo ngư dân không được tự ý cải hoán tàu cá khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15m đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để Sở Nông nghiệp tổng hợp đề xuất Bộ Nông nghiệp cho phép các tàu dưới 15m được cải hoán lên 15m, đồng thời cấp hạn ngạch bổ sung cho tàu cá Phú Yên đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục