Phú Yên siết chặt quản lý kinh doanh mặt hàng đường dịp cuối năm

15:04' - 16/10/2019
BNEWS Khó khăn trong quản lý đường lậu là mặt hàng này được vận chuyển, tiêu thụ qua các hộ kinh doanh cá thể. Họ không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của đường, có hóa đơn hay không mà chỉ cần giá rẻ.

Vào dịp cuối năm, mặt hàng đường (đường trắng, đường tinh luyện) được tiêu thụ tương đối mạnh để phục vụ sản xuất bánh kẹo, mứt… Một số đối tượng đã tìm cách nhập lậu đường vào tỉnh Phú Yên để tiêu thụ với giá rẻ.

Điều này khiến cho việc cạnh tranh giữa đường được sản xuất trong tỉnh với đường lậu rất khó khăn. Để đảm bảo ổn định thị trường, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đang tổng lực ra quân kiểm soát tình trạng buôn bán, kinh doanh mặt hàng này.

Đầu tháng 10/2019, các Đội Quản lý thị trường số 2 và số 4 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên) liên tiếp phát hiện và thu giữ 6 tấn đường không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp; trên bao bì có in nhãn hiệu tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Toàn bộ số đường này được chủ hàng khai nhận là vận chuyển từ địa phương khác về tỉnh Phú Yên để tiêu thụ.

Vì đường nhập lậu không phải đóng thuế nên giá bán chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, các nhà phân phối mua tại các nhà máy đường của tỉnh Phú Yên như KCP, đường Tuy Hòa với giá gần 11.700 đồng/kg… Điều này khiến cho các doanh nghiệp phân phối đường khó có thể cạnh tranh với đường lậu.

Bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thành Danh cho biết, đường lậu nhập vào địa phương sẽ có giá rẻ vì không phải đóng thuế. Điều này ảnh hưởng đến giá cả thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước, bởi đường sản xuất trong nước có giá cao sẽ tiệu thụ chậm lại và gây áp lực cạnh tranh cho các công ty phân phối. Trước đây bình quân mỗi năm công ty bán được 500 đến 1.000 tấn đường cho các nhà máy đường trong nước thì giờ đây số lượng chỉ còn một nửa và không còn lợi nhuận cho công ty.

Khó khăn hiện nay trong quản lý đường lậu là mặt hàng này được vận chuyển, tiêu thụ thông qua các hộ kinh doanh cá thể. Họ không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của đường, có hóa đơn hay không mà chỉ cần giá rẻ. Việc chia nhỏ số lượng đường để vận chuyển cùng các loại hàng hóa khác để tránh bị phát hiện cũng là “chiêu thức” của những đối tượng buôn đường lậu.

Ông Nguyễn Thái Vinh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Phú Yên cho biết, khó khăn phát hiện đường nhập lậu là đa số được thực hiện tại điểm kinh doanh nhỏ, lẻ. Các đối tượng thường mua với số lượng ít khoảng 1 đến 2 bao (mỗi bao 50kg) sau đó chia ra các bao nhỏ không dán nhãn mác để bán. Những điểm buôn bán lớn thì cất giấu và không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Khi tiêu thụ các đối tượng thường chia ra số lượng ít và vận chuyển nhiều lần.

Trước các hình thức tinh vi trong vận chuyển, buôn bán đường lậu… Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã tăng cường lực lượng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh đường lớn để truy xuất nguồn gốc. Việc kiểm tra được thực hiện tại các hộ đăng ký kinh doanh đường; các kho hàng và kết hợp các nguồn tin báo khác.

Ông Phạm Thanh Hiền, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Phú Yên cho biết, cuối năm là dịp cao điểm tiêu thụ đường để phục vụ sản xuất các mặt hàng bánh kẹo. Vậy nên Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên sẽ tăng cường quản lý mặt hàng này, duy trì kiểm tra đột xuất các điểm, các tuyến được người dân báo tin có kinh doanh, cất giấu đường lậu; kiểm tra thường xuyên các cửa hàng, kho hàng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra phát hiện những phương tiện vận chuyển đường lậu đi tiêu thụ.

Tỉnh Phú Yên cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra diện rộng tình hình kinh doanh, buôn bán mặt hàng đường để ngăn chặn đường nhập lậu; góp phần giải quyết lượng đường tồn kho để các nhà máy trên địa bàn tỉnh chuẩn bị vào vụ ép mới./.

>>> "Chao đảo" vì đường lậu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục