Quản lý thị trường phía Nam “nóng” chuyện đường lậu và thuốc lá lậu

15:02' - 29/06/2018
BNEWS Ngày 29/6, tại Hậu Giang diễn ra hội nghị công tác phối hợp 19 chi cục quản lý thị trường khu vực phía Nam do Bộ Công Thương tổ chức.
Chiều 28/6, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức Hội nghị giao ban công tác phối hợp lần thứ XII năm 2018. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị nhiều ý kiến cho biết tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động.

Hàng hóa được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, đồ chơi trẻ em, phụ tùng ô tô, điện thoại di động,…

Các tuyến đường nhập lậu chính là tuyến biên giới huyện Bến Cầu, huyện Trảng Bàng, ranh giới tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An; hướng tỉnh Tây ninh, Long An, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi, Hóc Môn) về Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; tuyến biên giới tỉnh An Giang, Kiên Giang về theo hướng Quốc lộ 91; Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Đồng Tháp về theo hướng Quốc lộ 1 đi các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau để tiêu thụ.

Đặc biệt, hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều đề cập đến hai mặt hàng là thuốc lá lậu và đường cát lậu diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, đường lậu hoạt động công khai, ngang nhiên bán hàng như đường trong nước.

Đường cát lậu sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Campuchia, sẽ được vận chuyển bằng ô tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ là kho của các doanh nghiệp, thương nhân trong nước.

Thậm chí trong quá trình vận chuyển và bán hàng để luôn bao bì, nhãn mác của nước ngoài mà không bị xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho biết mặt hàng thuốc lá lậu tiếp tục là mặt hàng diễn biến “nóng” trên tuyến biên giới của tỉnh.

Các đối tượng buôn lậu không hoạt động ồ ạt như trước mà chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ và ngụy trang, cất giấu tinh vi, vận chuyển hàng với số lượng vừa phải, khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố khởi tố.

Cũng như các đối tượng buôn lậu tổ chức người theo dõi, giám sát mọi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu để thông báo cho nhau nhằm đối phó, tránh né; các đối tượng buôn lậu cũng thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp.

Các đội quản lý thị trường của tỉnh kiểm tra, phát hiện 71 vụ, phạt tiền 475 triệu đồng. Trong đó chuyển cơ quan khởi tố điều tra 3 vụ, tang vật gồm 3 xe ô tô và 27.400 bao thuốc lá ngoại; xử lý tịch thu 98.176 bao thuốc lá ngoại, 3 xe ô tô, 28 xe mô tô hai bánh là phương tiện vận chuyển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đặng Hoàng An, cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ sớm báo cáo Chính phủ việc kiện toàn tổ chức lực lượng quản lý thị trường, ổn định tổ chức để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Đồng thời tăng cường hơn nữa phối hợp lực lượng quản lý thị trường liên tỉnh, cũng như giữa lực lượng quản lý thị trường với các ngành khác như công an, hải quan, quân đội, biên phòng... để xử lý hàng gian, hàng giả.

Mục tiêu hướng tới việc phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả không chỉ lực lượng quản lý thị trường mà có sự tham gia vào cuộc của các ngành, các địa phương và nhân dân.

Từ đó, giảm dần những bất cập, hạn chế trong thực hiện công vụ của lực lượng quản lý thị trường như phải đảm đương chức trách quá rộng, công việc nguy hiểm nhưng lực lượng quản lý thị trường lại chưa được trang bị các công cụ hỗ trợ thích hợp.

Theo báo cáo kết quả công tác phối hợp xử lý của lực lượng quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng này đã kiểm tra gần 16.000 vụ, phát hiện vi phạm hơn 9.000 vụ việc và đã xử lý 9.016 vụ, những vụ việc còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, thu phạt tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm./.

Xem thêm:

>>>Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hơn 2.200 vụ

>>>Lạng Sơn liên tiếp kiểm tra và thu giữ nhiều hàng giả, hàng nhập lậu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục