Phục hồi 2% trong phiên 19/3, giá dầu thế giới vẫn sụt giảm tới 7% trong tuần

11:25' - 20/03/2021
BNEWS Thị trường năng lượng tuần qua đã liên tiếp giảm trong 4 phiên và chỉ phục hồi trong phiên cuối tuần.
Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần 19/3, nhưng vẫn kết thúc tuần giao dịch với mức giảm khá sâu do làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên khắp châu Âu đã lu mờ hy vọng rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ sớm phục hồi.

Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,25 USD/thùng (tương đương 2%) lên mức 64,53 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (khoảng 2,4%) lên 61,42 USD/thùng.

Giới quan sát cho rằng giá dầu phục hồi sau khi trượt dốc tới 7% trong phiên 18/3 là do thị trường nhận định mức bán tháo là quá lớn.

Nhìn chung, thị trường năng lượng tuần qua đã liên tiếp giảm trong 4 phiên và chỉ phục hồi trong phiên cuối tuần.

Mở đầu tuần mới trong phiên 15/3, giá dầu thế giới tiếp tục giảm bất chấp thông tin về sản lượng công nghiệp và hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc đều tăng, trong khi các nước sản xuất dầu lớn vẫn đang thực hiện thỏa thuận hạn chế nguồn cung. Giá dầu Brent phiên này giao dịch ở mức 68,88 USD/thùng, giảm 34 xu Mỹ. Giá dầu WTI giảm 22 xu Mỹ xuống 65,39 USD/thùng.

Đà giảm tiếp tục trong phiên 16/3, khi các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ phục hồi nhu cầu. Nhà phân tích về năng lượng Carsten Fritsch của Commerzbank Research cho rằng do số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trở lại, có những hoài nghi về việc nhu cầu có phục hồi mạnh như dự kiến, ít nhất là trong quý II/2021, khi việc thắt chặt quy định đang được thảo luận hoặc đã được quyết định ở châu Âu. Thêm vào đó, bản thân việc giá dầu ở mức cao đã bắt đầu cho thấy tác động đến nhu cầu.

Giá dầu thế giới giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 17/3, chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0%, và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023 cũng như cam kết duy trì biện pháp mua trái phiếu.

Sang phiên 18/3, giá dầu lao dốc tới 7% khi thị trường lo ngại về tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu ngày một xấu đi. Chuỗi 5 phiên mất giá là chuỗi dài nhất đối với dầu WTI kể từ tháng 2/2020 và đối với dầu Brent kể từ tháng 9/2020. Ngay cả sau khi thị trường đóng cửa, cả hai loại dầu tiêu chuẩn tiếp tục giảm hơn 6 USD/thùng, tương đương 9%.

Dù phục hồi 2% trong phiên 19/3, cả hai loại dầu chuẩn đều giảm gần 7% tính chung trên cả tuần qua.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Price Futures Group cho rằng đợt bán tháo vừa qua sẽ thúc đẩy một số yếu tố có thể đã làm chậm đà tăng giá của dầu.

Chuyên gia này nhận định đợt bán tháo sẽ khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lo ngại hơn về COVID-19, qua đó tăng khả năng khối này sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng một lần nữa.

Ngoài ra, việc giá dầu giảm mạnh cũng có thể “hạ nhiệt” tâm lý muốn gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm tăng nguồn cung dầu toàn cầu trong khi nhu cầu nhiên liệu suy yếu trong thời kỳ đại dịch. Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết các công ty khoan dầu tại Mỹ đã bổ sung thêm 9 giàn khoan trong tuần này, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2021.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết những sóng gió của thị trường dầu liên quan đến nhu cầu của châu Âu và nguồn cung từ Iran sẽ làm chậm quá trình tái cân bằng thị trường trong quý II/2021. Do đó, Goldman Sachs hy vọng OPEC và các đồng minh sẽ hành động.

Iran đã chuyển lượng dầu thô kỷ lục cho khách hàng hàng đầu là Trung Quốc trong những tháng gần đây. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ cũng đã bổ sung dầu Iran vào kế hoạch nhập khẩu hàng năm của họ, với giả định rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà cung cấp dầu này sẽ sớm giảm bớt.

Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới và giá dầu Brent có thể tăng lên 80 USD/thùng vào mùa Hè này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục