Phục hồi việc làm vẫn là "bài toán khó" cho kinh tế Ấn Độ

06:30' - 21/08/2021
BNEWS Suy luận từ các cuộc khảo sát khác nhau cho thấy, tác động kinh tế mà đại dịch gây ra đối với người lao động Ấn Độ là không đồng đều.

Tờ The Economic Times cho biết, các tin tức mới đây về nền kinh tế Ấn Độ là đáng khích lệ, với sự phục hồi nhanh hơn dự kiến sau làn sóng COVID-19 thứ hai. Chỉ số phục hồi kinh doanh của ngân hàng Nomura Ấn Độ (Nibri, theo dõi tốc độ phục hồi hoạt động kinh doanh) đã ghi nhận một cột mốc quan trọng vào giữa tháng Tám. 

Chỉ số này lần đầu tiên vượt 100, thể hiện việc hoạt động kinh tế phục hồi vượt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thị trường việc làm vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

* Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm như thế nào?

Việc nắm bắt thực tế tình hình việc làm ở Ấn Độ là rất khó, chủ yếu là do không có dữ liệu việc làm kịp thời. Tuy nhiên, suy luận từ các cuộc khảo sát khác nhau cho thấy, tác động kinh tế mà đại dịch gây ra đối với người lao động là không đồng đều. 

Đối với các công việc đòi hỏi kỹ năng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và tài chính, người lao động dễ dàng chuyển sang làm việc tại nhà (WFH). Nhưng làm việc từ xa không khả thi trong các dịch vụ cần tiếp xúc nhiều như khách sạn, nhà hàng và du lịch, hoặc làm các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng.

Các công ty nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các công ty lớn. Do đó, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sử dụng nhiều việc làm không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi phí tiền lương để duy trì hoạt động. Lao động khu vực phi chính thức, lao động tự do và lao động làm công ăn lương bị ảnh hưởng đáng kể. 

Tỷ lệ thất nghiệp thường được sử dụng để đo lường sự trì trệ của thị trường lao động. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), con số này ở mức 8% vào giữa tháng 8/2021, cao hơn một chút so với mức 7,8% vào tháng 2/2020 (trước đại dịch). Tuy nhiên, chỉ số này chưa phản ánh đúng sự chậm chạp của thị trường việc làm.

Tổng số việc làm ở Ấn Độ ghi nhận là 399,4 triệu vào tháng 7/2021, giảm so với mức 406 triệu việc làm vào tháng 2/2020. Điều này đồng nghĩa với việc 6,6 triệu lao động đã bị mất việc. Khoảng 10,9 triệu công nhân đã rời bỏ lực lượng lao động và không còn tích cực tìm việc làm. 

Những người có việc làm thường phải cắt giảm lương, làm việc ít giờ hơn hoặc đang nghỉ không lương. Làn sóng COVID-19 đầu tiên chứng kiến sự di cư của người lao động trở về quê hương của họ. Nhiều người trong số này vẫn đang làm việc trong các trang trại, đây thường là tình trạng thất nghiệp trá hình.

* Triển vọng thị trường việc làm của Ấn Độ sẽ thay đổi như thế nào?

Nền kinh tế và thị trường việc làm đã phục hồi sau tác động của làn sóng COVID-19 thứ hai. Khi hoạt động tiêm chủng của Ấn Độ ngày càng phổ biến và Ấn Độ thích nghi với việc chung sống với đại dịch, một số lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề cũng sẽ hoạt động trở lại. Nhưng sự phục hồi mở rộng trên thị trường việc làm có thể sẽ là một quá trình chậm và từ từ vì hai lý do. 

Thứ nhất, thời điểm Ấn Độ có thể tiêm chủng cho phần lớn dân số trưởng thành dự kiến sớm nhất là đến cuối năm 2021. Cho đến lúc đó, nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc do đại dịch. Thứ hai, ngay cả khi nhu cầu phục hồi, các công ty sẽ muốn đánh giá độ bền của nhu cầu trước khi bắt tay vào tuyển dụng toàn diện.

Tốc độ phục hồi việc làm cũng có thể khác nhau giữa các lĩnh vực và đối tượng lao động. Sự phục hồi có thể sẽ thay đổi nhiều hơn đối với lao động khu vực chính thức, so với khu vực phi chính thức. Trong khu vực chính thức, sự bùng nổ nhanh hơn có thể xảy ra trong các lĩnh vực có nhu cầu lớn (ví dụ như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm và dược phẩm), trong khi các lĩnh vực truyền thống hơn (ví dụ như cơ sở hạ tầng, khách sạn, bất động sản, truyền thông và giải trí) có thể phục hồi chậm hơn.

Đối với lao động khu vực phi chính thức, việc phục hồi việc làm trở lại mức trước đại dịch có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ban đầu, các công nhân có thể ngần ngại rời khỏi nhà do sợ bị nhiễm COVID-19, mặc dù mối lo ngại này sẽ giảm dần theo thời gian khi chính phủ tiến hành tiêm chủng rộng rãi. Nhiều MSME, nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa và khiến một số lượng công việc mất đi vĩnh viễn.

Trong dài hạn, đại dịch có thể gây ra những tác động lâu dài khác, trong đó có cả thách thức và cơ hội. Ví dụ, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng số hóa và thương mại điện tử đã có từ trước. Các hội nghị truyền hình hiện đã được chấp nhận rộng rãi.

Y tế từ xa, giao hàng và công nghệ tài chính là một số lĩnh vực đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng khi các công ty áp dụng chiến lược Trung Quốc+ (di dời một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác) đã mở ra một loạt cơ hội mới cho Ấn Độ để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo ra nhiều việc làm trong ngành sản xuất.

Ngược lại, các hoạt động đi công tác có thể sẽ giảm trong một thế giới hậu đại dịch. Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của công ty dành cho nhân viên (MICE) có thể sẽ giảm sút. Nhu cầu về mở rộng quy mô văn phòng thương mại có thể cũng thấp hơn. 

Bên cạnh đó, tự động hóa có thể làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của ngành sản xuất, gây ảnh hưởng đến những người lao động có trình độ thấp. Đại dịch đã dẫn đến sự tập trung trên thị trường nhiều hơn, khi các công ty lớn trở nên lớn hơn, trong khi các công ty nhỏ bị siết chặt, điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo việc làm.

* Bộ công cụ chính sách bắt buộc

Những thay đổi dài hạn này sẽ đòi hỏi một phản ứng chính sách tích cực. Người lao động sẽ cần được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng. Ấn Độ cần một hệ sinh thái để MSME phát triển mạnh mẽ, ví dụ như giảm bớt các chi phí liên quan đến tuân thủ quy định hơn, chi phí tài trợ thấp hơn và được tạo điều kiện để mở rộng quy mô. 

Ấn Độ sẽ cần nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xây dựng. Nước này cũng cần có một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp để tận dụng hiệu quả nguồn lao động trẻ và dồi dào. Nhiều lĩnh vực mới khác có thể tạo ra việc làm nên được khám phá để có thể đảo ngược những tác động tiêu cực mà đại dịch đã gây ra đối với người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục