Phương án tuyển sinh năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội

20:56' - 18/12/2020
BNEWS Ngày 18/12, theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, công tác tuyển sinh đại học năm 2021 tiếp tục ổn định và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển.

Đồng thời, xét tuyển theo một số phương thức khác: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương), xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông  (do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức).

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng đối với học sinh đạt kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh thuộc các trường Trung học phổ thông chuyên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có kết quả học tập loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành.

Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục phát huy các ưu điểm, tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, thí sinh, xã hội và rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm 2020, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, phương thức xét tuyển, thời gian nhập học theo hướng thuận lợi hơn cho người học.

Từ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao công tác tuyển sinh cho các trường đại học thực hiện trên cơ sở triển khai chương trình đào tạo giáo dục phổ thông mới. Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để xây dựng lộ trình tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông nhằm phục vụ công tác tuyển sinh (như một trong các phương thức xét tuyển sinh đại học) trong thời gian tới.

Về dự thảo đề án thi đánh giá năng lực  học sinh Trung học phổ thông, cũng như những kỳ thi đánh giá năng lực của các năm 2015, 2016 trước đây, thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Năm 2021, dự kiến đánh giá năng lực được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4-5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 thí sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.

Về công tác tuyển sinh sau đại học, dự kiến, kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2021 chia làm 2 đợt: Đợt 1 tổ chức thi vào các ngày 17 và 18/4/2021; Đợt 2 tổ chức thi vào các ngày 11 và 12/9/2021.

Theo báo cáo phương hướng tuyển sinh năm 2021 của Ban Chỉ đạo Tuyển sinh sau đại học, các hội đồng tuyển sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2020, mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng thuộc các chương trình đào tạo tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao… (đối với bậc thạc sĩ) và các thí sinh có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học bậc đại học, bậc thạc sĩ và có bài báo khoa học được công bố trên tạp chí ISI/Scopus… (đối với bậc tiến sĩ).

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Gs Ts Nguyễn Kim Sơn cho biết: Kết quả tuyển sinh năm vừa qua đã cho thấy các ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội có sự phân tầng rõ rệt, sức thu hút của các ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp.

Năm 2021, về cơ bản, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn giữ vững tổng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh. Các đơn vị đào tạo cần cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu của từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với quy mô và khả năng đào tạo của đơn vị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục