PricewaterhouseCoopers: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

06:35' - 10/02/2017
BNEWS Khi nói về những yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng nhanh và ổn định của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia phương Tây thường nhắc đến dân số trẻ, lao động rẻ và ưu đãi đầu tư trong pháp luật.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo mới nhất của công ty PricewaterhouseCoopers (PwC), trong năm 2050, top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Mỹ sẽ xuống vị trí thứ ba. Trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có tới 6 đại diện là các nền kinh tế mới nổi. Nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20, vượt trước Italy.

Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Việt Nam là một ví dụ nổi bật về các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức sánh được với những chỉ số cao nhất thế giới thì Việt Nam sẽ vượt trước các nước láng giềng và sau đó vượt nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Theo ông Mazyrin, một trong những nguyên nhân giải thích tại sao Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng như vậy là bởi khác với nhiều nước đang phát triển, Việt Nam xây dựng hệ thống ngành kinh tế quốc dân hoàn chỉnh, không phải chỉ riêng một ngành hoặc mấy ngành kinh tế. Giáo sư người Nga chia sẻ ý kiến của một số độc giả “Sputnik-Việt Nam” nhận xét rằng nếu không có ngành công nghiệp nặng thì đất nước không thể phát triển ổn định.

Ông nói: “Gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu kim loại và thép, mà hiện nay ngành luyện kim đã phát triển đến mức Việt Nam trở thành nước xuất khẩu ròng kim loại. Ở Việt Nam có 14 nhà máy ôtô của các tập đoàn hàng đầu thế giới, ngoài ra nên nhớ về những thành tựu của đất nước trong lĩnh vực khai thác than, dầu mỏ và các khoáng sản khác. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã phát triển khối công nghiệp nhẹ. Và hiện nay, trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện”.

Khi nói về những yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng nhanh và ổn định của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia phương Tây thường nhắc đến tỷ lệ tăng dân số, dân số trẻ, lao động rẻ và ưu đãi đầu tư trong pháp luật. Giáo sư Vladimir Mazyrin đồng ý với quan điểm này, nhưng ông lưu ý rằng, tất cả những yếu tố đó có tính chất tạm thời. Dân số Việt Nam đang già hóa. Theo dự báo của Liên hợp quốc, nếu vào năm 2000, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) là 7,5%, thì đến năm 2050, con số này sẽ tăng đến 23,5%. Với sự gia tăng thu nhập và mức lương, lao động đang trở nên đắt hơn, kết quả là Việt Nam đang bước vào thời kỳ “bẫy thu nhập trung bình “ khi đất nước đang mất sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp để thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, cũng có một số cạm bẫy. Thứ nhất, vì Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên dòng đầu tư đang tăng lên làm gia tăng nợ công của Việt Nam. Hiện nay, nợ công ở mức 60% GDP, tức là lên mức độ nguy hiểm, cùng với nợ nội địa có tỷ lệ nợ cao hơn GDP. Điều đó gây lo ngại cho chính quyền Việt Nam và các nhà đầu tư. Giải pháp duy nhất là chấm dứt tình trạng “nóng” lên kinh tế với việc huy động vốn ngoại tệ, điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Thứ hai, Việt Nam đã biến thành một loại “vùng offshore” của các nước tư bản phát triển. Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn nước ngoài do đánh thuế thấp và nguồn nhân công rẻ mạt. Hiện nay, các địa phương cạnh tranh nhau sẽ cung cấp nhiều ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn các công ty nước ngoài thường xuyên phàn nàn về những mất mát để không phải nộp thuế. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên của nhiều tổ chức liên kết với các cơ chế hợp tác sản xuất các chuỗi giá trị mới. Ngoài ra, việc giảm các rào cản hải quan giúp tạo ra những ngành công nghiệp mới định hướng xuất khẩu.

Yếu tố quan trọng nhất với các nước ASEAN là sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Cùng với những thay đổi trong cơ cấu xã hội Việt Nam, cuộc đấu tranh thành công chống đói nghèo và sự phát triển của tầng lớp trung lưu sẽ mang lại những thay đổi về chất trong cơ cấu tiêu thụ, điều đó sẽ kích thích mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế.

Một yếu tố quan trọng khác mà các nhà kinh tế phương Tây thường không nhắc đến là sự ổn định chính trị và xã hội ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi tích cực trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục