BNEWS
Là doanh nghiệp xử lý, phân phối khí tự nhiên nên PV GAS được hưởng lợi từ giá dầu tăng, vì giá bán khí phụ thuộc trực tiếp vào giá dầu.
Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được dự báo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, cùng với diễn biến hồi phục của giá dầu sẽ tác động tích cực đến giá bán khí. Đây được cho là những yếu tố giúp Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS - mã chứng khoán: GAS) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý và phân phối khí tự nhiên tăng trưởng trong thời gian tới.
Hưởng lợi từ dầu tăng giá Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC, sau 5 tháng đi ngang trong vùng 40 - 45 USD/ thùng, giá dầu Brent đã tăng liên tiếp 5 tháng từ tháng 11/2020 và vượt ngưỡng 65 USD/ thùng (vào phiên 17/3) nhờ triển vọng nhu cầu hồi phục và nguồn cung dầu thắt chặt.
Mức tăng giá sau đó có chững lại và trong phiên 26/3, tại thị trường châu Á, giá dầu Brent ở mức 63,04 USD/thùng vào lúc 14 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam). Dù giá dầu đã chững lại nhưng có thể thấy, mức hồi phục của giá dầu là khá mạnh mẽ và trong thời gian khá dài.
Thông tin từ BSC, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khai thác khoảng 40% sản lượng dầu thế giới và nắm giữ khoảng 75% tổng trữ lượng dầu đã đã quyết định tiếp tục tăng cường cắt giảm sản lượng đến hết tháng 4/2021. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp mới nhất của tổ chức này ngày 4/3/2021. BSC cho rằng, điều này sẽ góp phần kiềm chế tổng cung dầu thế giới, giảm tồn trữ và tạo áp lực tăng giá dầu.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tồn trữ dầu thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện và nguồn cung được thắt chặt và sẽ giữ ổn định từ quý II/2021 sau khi các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng trở lại, bắt kịp nhu cầu tiêu thụ thế giới.
Cơ quan này dự báo tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng dần trong năm 2021 và chạm ngưỡng trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm.
Là doanh nghiệp xử lý, phân phối khí tự nhiên nên PV GAS được hưởng lợi từ giá dầu tăng, vì giá bán khí phụ thuộc trực tiếp vào giá dầu.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), PV GAS hiện đang phân phối độc quyền khí thiên nhiên bằng đường ống từ các mỏ khí ở ngoài khơi vào đất liền. Khí chủ yếu được phân phối cho các nhà máy điện, chiếm tới 82% sản lượng, nhà máy sản xuất phân đạm là 11%, methanol và cung cấp cho khách hàng công nghiệp - khoảng 7% sản lượng.
PV GAS còn sở hữu hệ thống đường ống khí Cửu Long có công suất 5 triệu m3/ngày, hệ thống đường ống Nam Côn Sơn với công suất 18 triệu m3 /ngày, hệ thống khí PM3-Cà Mau có công suất 5 triệu m3/ngày và hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình công suất đạt 100 triệu m3/năm.
PV GAS cũng là nhà cung cấp khí hóa lỏng LPG chiếm tới 75% thị phần, với hệ thống kho trên toàn quốc như kho Thị Vải sức chứa 11.000 tấn, 2 kho Gò Dầu (8.200 tấn), kho Đồng Nai (1.000 tấn), kho Cần Thơ (1.200 tấn), 2 kho Dung Quất (3.500 tấn), kho Hà Tĩnh (1.800 tấn), 3 kho Hải Phòng (9.600 tấn), kho Đà Nẵng (1.500 tấn) và kho lạnh tại Thị Vải (60.000 tấn).
PHS cho rằng, trong dài hạn, lĩnh vực kinh doanh LPG được dự báo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ tốc độ gia tăng dân số đạt 1,05% - 1,15%/năm và GDP tăng trưởng 6.5-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Tiềm năng từ các dự án mới Theo các chuyên gia từ BSC, sản lượng khí các mỏ khu vực Đông Nam Bộ giảm từ 5 - 20%/năm, đặc biệt là các mỏ lớn đã khai thác trên 10 năm như mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Lan Tây - Lan Đỏ. Các mỏ khí này được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm bình quân 10 - 20%/năm trong tương lai theo quy luật khai thác tự nhiên.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2015 - 2019, sản lượng tiêu thụ khí đốt hóa lỏng tăng trưởng bình quân 10,5%/năm.
Trong năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động lên nền kinh tế Việt Nam, hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thông vận tải. Điều này đã khiến tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam giảm xuống mức 2,9%/năm, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 7%/năm trong 3 năm trước đó và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt sụt giảm lần lượt 1,2% và 4,3% so với năm 2019.
Tuy nhiên, BSC dự báo nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên cho sản xuất điện sẽ tăng bình quân 14%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Trước sự suy giảm mạnh sản lượng khí khai thác, trong khi nhu cầu thị trường này càng tăng đang tạo ra thách thức, song cũng là cơ hội cho PV GAS.
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, PV GAS còn có tiềm năng tăng trưởng từ các dự án mới. PV GAS hiện đang là chủ đầu tư kho LNG Thị Vải, bắt đầu hoạt động vào quý III/2022, kho Sơn Mỹ (Bình Thuận), LNG Hải Phòng và Long An.
Bên cạnh đó, trữ lượng khí lớn từ Mỏ Kèn Bầu và mỏ Cá Voi Xanh, mang lại kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong dài hạn, bù đắp rủi ro thiếu khí khi các mỏ khí cũ đang dần cạn kiệt.
Ngoài ra, PV GAS còn thực hiện các dự án nhập khẩu LNG. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu, bổ sung nguồn cung cấp khí cho thị trường tiêu thụ.
Dự án kho chứa LNG Thị Vải của PV GAS có tổng mức đầu tư là 285 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa -Vũng Tàu. PV GAS có kế hoạch thực hiện dự án kho chứa LNG Thị Vải mở rộng, tăng khả năng tồn chứa LNG, giúp nâng cao tổng công suất tiêu thị qua kho LNG lên đến 3 - 6 triệu tấn/năm.
Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ - Bình Thuận có tổng mức đầu tư là 1,3 tỷ USD, công suất khả dụng 3,6 triệu tấn/năm. Kho Sơn Mỹ sẽ nhập khẩu LNG cung cấp cho Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ 1&2, cung cấp bổ sung cho lượng khí thiếu hụt tại khu vực Đông Nam Bộ. Dự án kho LNG Hải Phòng và Long An hiện đang chờ phê duyệt từ cơ quan thẩm quyền.
Tuy đánh giá cao tiềm năng, động lực phát triển của
PV GAS, nhưng các chuyên gia từ PHS cũng chỉ ra những rủi ro mà doanh nghiệp này gặp phải. Theo đó, doanh nghiệp có thể gặp những sự cố kỹ thuật. PV GAS phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do số sự cố phía thượng nguồn.
Ngoài ra, một rủi ro nữa đó là thiếu khí. Các mỏ khai thác đã có hiện tượng suy giảm rõ rệt, cần khai thác thêm các mỏ mới, xây dựng đường ống, hệ thống vận chuyển cũng như xử lý khí. Bên cạnh đó, các mỏ khí giá rẻ gần bờ đang dần cạn kiệt sẽ buộc PV GAS phải đầy mạnh tìm kiếm và khai thác các mỏ khí ở xa bờ với chi phí cao hơn, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghệp.
Doanh nghiệp cũng có những rủi ro về tỷ giá. Giá khí và các sản phẩm khác đều được tính theo giá khí thế giới bằng đồng USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang có các khoản vay bằng USD.
PV GAS cũng có thể gặp phải các rủi ro về giá dầu. Việc giá dầu thay đổi sẽ có tác động lớn đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Doanh nghiệp cũng có những rủi ro thay đổi giá đầu vào, chủ mỏ có thể thương lượng lại giá mua ở các mỏ khí cũ. Việc đàm phán, thống nhất ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng về giá khí, cước phí mới mất nhiều thời gian và PV GAS chịu rủi ro khi các chủ mỏ thương lượng lại giá khí đầu vào, chuyên gia từ PHS cho biết.
Thực tế, do sự đi xuống của giá dầu, kết quả kinh doanh 2020 của PV GAS giảm mạnh. Theo số liệu từ PHS, năm 2020, doanh thu PV GAS đạt 64.150 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2019, lợi nhuận đạt 7.928 tỷ VND giảm 34,4% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của giá dầu giảm 33,5% so với năm 2019 làm biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 17,7%, trong khi đó biên lợi nhuận gộp năm 2019 là 22,6%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAS chốt phiên 17/3 ở mức 89.200 đồng/cổ phiếu, không biến động nhiều so với mức 88.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1)./.