PV GAS hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính trong bối cảnh huy động khí thấp

10:47' - 09/10/2021
BNEWS Tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của PV GAS ước đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 11% so với kế hoạch đề ra và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, trong điều kiện tình hình thị trường tiêu thụ khí, sản phẩm khí khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng PV GAS đã nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính cả 3 quý của năm 2021.

Theo đó, tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của PV GAS ước đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 11% so với kế hoạch đề ra và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 7.869 tỷ đồng và 6.220 tỷ đồng, tăng tương ứng 20% và 19% so với kế hoạch và bằng mức của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, PV GAS nộp ngân sách nhà nước ước đạt 4.481 tỷ đồng, tăng tới 70% kế hoạch tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.

PV GAS đã thực hiện tiếp nhận 5.761 triệu m3 khí ẩm, bằng 78% kế hoạch và bằng 84% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất và cung cấp 5.555 triệu m3 khí khô, bằng 78% kế hoạch và bằng 82% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực LPG (khí hóa lỏng), PV GAS sản xuất và cung cấp 1.518 nghìn tấn LPG; trong đó, xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 337 nghìn tấn, tăng 27% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ toàn quốc.

Ngoài ra, PV GAS cũng sản xuất và cung cấp trên 47 nghìn tấn condensate, bằng 60% kế hoạch và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù sản lượng khí khô, condensate của PV GAS không hoàn thành kế hoạch, nhưng với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trong quản lý điều hành, cùng với giá dầu, giá LPG thị trường tăng và sản lượng LPG tăng 27% so với kế hoạch đã đóng góp lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp 9 tháng qua.

Tuy nhiên, PV GAS cho biết, để đạt kết quả này, doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực bởi thời gian qua, huy động khí của khách hàng giảm mạnh; trong đó đặc biệt là huy động khí cho điện chỉ bằng 72% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN).

Nếu so với kế hoạch của Bộ Công Thương giao thì huy động khí Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%. Đặc biệt, từ ngày 11/8 đến nay, huy động khí cho sản xuất điện Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng từ 5,6-8,5 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ từ 1,1 -1,3 triệu m3/ngày.

Cùng đó, nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước cũng giảm từ 35-40% đối với LPG và 30% đối với khí thấp áp, CNG (khí nén thiên nhiên) so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần 4 do nhiều khách hàng dừng hoặc giảm sản xuất, kinh doanh.

Dự báo thời gian tới, số lượng khách hàng dừng, giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm từ 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát – PV GAS nhận định.

Bên cạnh đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa (LPG, CNG) gặp nhiều khó khăn như: huy động nguồn lực triển khai các dự án chỉ duy trì được khoảng 40% lực lượng lao động tại công trường so với trước thời điểm dịch bùng phát do siết chặt việc đi lại; việc xem xét, phê duyệt của các cơ quan chức năng liên quan các hoạt động đầu tư xây dựng, cước phí, giá khí... cũng gặp khó; chi phí cho các hoạt động tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong tình hình đó, PV GAS đã xây dựng nhiều kịch bản, phương án ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh, đảm bảo chủ động trong mọi trường hợp để hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng diễn ra liên tục. Mọi công việc đều được rà soát, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, vừa phù hợp với nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục.

Đến thời điểm hiện tại, các hệ thống khí, cơ sở sản xuất kinh doanh của PV GAS luôn đảm bảo an ninh, an toàn và mọi hoạt động diễn ra liên tục, hiệu quả. PV GAS cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các bên trong chuỗi giá trị khí, đặc biệt trong khâu dự báo, ấn định, bảo dưỡng sửa chữa để vận hành hệ thống khí an toàn, tối ưu về mặt kỹ thuật và giảm thiểu thời gian dừng, giảm cung cấp khí, huy động tối đa công suất hệ thống của các bên.

Mặc dù chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19 nhưng hoạt động đầu tư xây dựng tiếp tục là một điểm sáng của PV GAS. Tổng giá trị giải ngân cho đầu tư xây dựng trong 9 qua của PV GAS ở mức cao; trong đó, Công ty mẹ giải ngân 3.546 tỷ đồng, tập trung ở chuỗi dự án Nam Côn Sơn, LNG. Toàn PV GAS giải ngân vốn đầu tư 9 tháng là 3.992 tỷ đồng. Nếu không tính dự án Đường ống khí Lô B-Ô Môn (PVN đang điều hành) thì kết quả giải ngân của Công ty mẹ đạt 101% kế hoạch 9 tháng.

Bên cạnh đó, việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng mua bán khí, LNG(khí thiên nhiên hóa lỏng), những vấn đề liên quan cước phí, cơ chế chính sách, thu xếp vốn đã được PV GAS triển khai với nhiều nỗ lực. Việc quản trị không ngừng được nâng cao; quá trình kỹ thuật số hóa – chính phủ điện tử được khẩn trương hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống quản lý, tiết giảm chi phí được đẩy mạnh. Trong 9 tháng, PV GAS đã thực hiện tiết giảm chi phí đạt 340 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, PV GAS đã kích hoạt các cấp độ, phương án, kịch bản sản xuất kinh doanh phù hợp yêu cầu công việc. Khâu phòng chống COVID-19 được triển khai quyết liệt theo các Chỉ thị, yêu cầu của Chính phủ, bộ ban ngành, địa phương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đảm bảo hậu cần tốt nhất có thể cho lao động tại các điểm tập trung an toàn; tăng cường công tác xét nghiệm, tiêm phòng... Đến thời điểm hiện tại, PV GAS đã tổ chức tiêm vắc xin phòng chống COVID mũi 1 cho 100% cán bộ công nhân viên và 43% hoàn thành mũi 2. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, số lượng đã tiêm mũi 2 đạt 100% tổng số người lao động.

Ngoài ra, PV GAS và đơn vị thành viên, trực thuộc tích cực cùng cả nước thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch COVID. Lũy kế 9 tháng, tổng giá trị thực hiện an sinh xã hội của PV GAS đạt trên 234 tỷ đồng; trong đó, ủng hộ hoạt động phòng chống COVID-19 gần 200 tỷ đồng như hỗ trợ phương tiện, vật tư y tế, đóng góp Quỹ vaccine của Chính phủ và các tỉnh, thành...

Trong quý IV/2021, dịch bệnh vẫn phức tạp, việc trở lại hoạt động bình thường mới còn khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh thành phía Nam sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của PV GAS.

Hàng loạt khó khăn PV GAS phải đối mặt trong thời gian tới như: nhu cầu huy động khí của khách hàng điện tiếp tục ở mức thấp và thiếu ổn định; kinh doanh sản phẩm khí dự báo chưa thể trở lại bình thường do các khách hàng công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, dừng - giảm sản xuất hoặc duy trì hoạt động cầm chừng; nhu cầu LPG của thị trường tiếp tục giảm do thực hiện giãn cách xã hội; các bên cung cấp, tiêu thụ khí thực hiện bảo dưỡng sửa chữa, dừng khí; công nợ và kiểm soát công nợ cũng sẽ gặp khó do ảnh hưởng từ dịch bệnh...

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, PV GAS đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết trong từng mặt hoạt động; nỗ lực đảm bảo mọi hoạt động an toàn, cấp khí liên tục, đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2021.

Đặc biệt, PV GAS chủ động phối hợp chặt chẽ để triển khai những giải pháp cụ thể, kiên quyết đảm bảo tiến độ các công trình, dự án trọng điểm có liên quan đến hệ thống hạ tầng phát triển LNG như: dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải; đường ống dẫn khí LNG Thị Vải - Phú Mỹ; hệ thống xuất bằng xe bồn tại Kho chứa LNG Thị Vải; mở rộng, nâng công suất Kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm; cải tạo mặt bằng, tái bố trí bồn chứa LPG tại Kho cảng Thị Vải…/.

>>>Khuyến nghị nào cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục