PVN làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí

18:48' - 24/11/2020
BNEWS Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí, từng bước hướng tới dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa quốc tế.

Với việc vận hành an toàn ổn định, liên tục ở công suất tối ưu các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, nhà máy điện, sản xuất phân đạm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí, từng bước hướng tới dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa quốc tế.

Tại toạ đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong hoạt động bảo dưỡng các công trình dầu khí” diễn ra chiều 24/11 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp cùng báo Lao động tổ chức, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp PVN cho biết, năm 2020 là năm ngành dầu khí đối mặt với khủng hoảng kép khi dịch bệnh COVID-19 và giá dầu suy giảm đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn khi các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam, vật tư thiết bị không thể mua từ các nhà cung cấp nước ngoài do các lệnh phong toả COVID-19 nhưng các đơn vị thành viên của PVN đã phát huy sáng tạo, làm chủ công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa, các công trình dầu khí tiêu biểu như: Sửa chữa Giàn khoan Đại Hùng 01, bảo dưỡng nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau.

Thực tế là các nhà máy và công trình dầu khí có quy mô lớn, công nghệ phức tạp với các hệ thống thiết bị, máy móc kỹ thuật cao nên việc khai thác các tài sản này đòi hỏi ngành dầu khí phải có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý sâu rộng.

Vì vậy, ngay từ khi đầu tư dự án, PVN và các đơn vị thành viên đã chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo vận hành trơn tru ngay khi các công trình dầu khí được đưa vào hoạt động.

Cho đến nay, PVN và các đơn vị thành viên đã hoàn toàn làm chủ được việc khảo sát và xây dựng kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa ở các quy mô khác nhau, kể cả với nhà máy lọc dầu có quy mô lớn và phức tạp như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo ông Mai Tuấn Đạt, Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn-BSR), đối với việc bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nếu như năm 2011, BSR mới chỉ tự thực hiện được 30% khối lượng công việc thì đến năm 2020, Công ty đã tự chủ thực hiện được 60% khối lượng công việc, Bên cạnh đó, tỷ trọng nhà thầu nước ngoài đảm nhận công việc từ mức 80% của năm 2011 giảm xuống 30% vào năm 2020; thuê chuyên gia nước ngoài năm 2020 đã giảm hơn 50% so với năm 2014.

Đặc biệt, BSR đã tự chế tạo được các thiết bị, chi tiết mà trước đây phải mua của nước ngoài cũng như phải thuê chuyên gia lắp đặt.

Nhờ vậy, BSR không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí mà còn chủ động được hoạt động bảo dưỡng sửa chữa trong mọi tình huống, ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.

Tương tự như vậy, ông Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau cho biết, việc định hướng mục tiêu chủ động về công nghệ trong bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Đạm Cà Mau đã giúp Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) từ chỗ chỉ thực hiện được 40% khối lượng công việc vào năm 2014 thì từ năm 2018 đến nay, PVCFC đã tự chủ trong lập kế hoạch, tổ chức thực hiện bảo dưỡng tổng thể nhà máy, khối lượng công việc tự thực hiện đối với các thiết bị chính, quan trọng đạt 90%.

PVCFC cũng đã thực hiện gia công tại chỗ các thiết bị như bơm, van, các thiết bị tĩnh dựa trên các bản vẽ thiết kế của nhà cung cấp nước ngoài. Nhờ vậy mà chi phí bảo dưỡng sửa chữa đã giảm đáng kể từ mức hơn 100 tỷ đồng của năm 2015 xuống còn 47 tỷ đồng vào năm 2020 này.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó trưởng ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu PVN, với việc làm chủ công tác bảo dưỡng sửa chữa, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động được 1.800 ngày không có sự cố dừng máy ngoài kế hoạch, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày.

Điều này đóng góp ý nghĩa trong việc hạ giá thành sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu cạnh tranh khốc liệt, nhiều biến động trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, với việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm, có tay nghề trong bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí, thời gian tới, PVN tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất bảo dưỡng để bảo dưỡng sửa chữa các công trình công nghiệp dầu khí trong nước, giảm huy động nguồn lực nước ngoài, hướng tới cung cấp các dịch vụ ra thị trường quốc tế, góp phần vào khai thác có hiệu quả tài sản, mang lại lợi ích kinh tế cho PVN và đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục