Qatar ủng hộ vai trò trung gian của Kuwait

10:43' - 13/06/2017
BNEWS Qatar sẵn sàng thương lượng về những vấn đề liên quan tới an ninh chung của các nước vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết Doha ủng hộ vai trò trung gian của Kuwait nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng Arab vùng Vịnh.

[Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trong cuộc họp báo ở Wolfenbuettel, Đức ngày 9/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Phát biểu với báo giới tại Paris sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng al-Thani cho biết Bộ Ngoại giao Kuwait đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các nước và Qatar ủng hộ nỗ lực này.

Ông cho biết sự lựa chọn của Qatar là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, đồng thời khẳng định không có bằng chứng nào cáo buộc Qatar cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố, cũng như hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo và Phong trào Hamas của Palestine cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với Iran.

Ông khẳng định Qatar sẵn sàng thương lượng về những vấn đề liên quan tới an ninh chung của các nước vùng Vịnh.

Cùng ngày, Qatar đã yêu cầu Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) của Liên hợp quốc can thiệp bất đồng liên quan quyền không phận với 3 nước vùng Vịnh sau những leo thang căng thẳng về ngoại giao và cấm vận thương mại.

Theo các nguồn thạo tin, Qatar đã gửi thư lên hội đồng điều hành ICAO trong nỗ lực giải quyết bất đồng sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đóng cửa không phận các nước này đối với các chuyến bay của Qatar.

Chưa rõ liệu hội đồng ICAO có đồng ý can thiệp hay không, song một nguồn tin tiết lộ, vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội đồng ICAO vào ngày 16/6 tới. Tuy nhiên, ICAO không áp đặt các quy định ràng buộc mà đề ra các tiêu chuẩn an toàn và an ninh hàng không để 191 nước thành viên thực hiện.

* Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết sẽ gửi thực phẩm tới Qatar, nhằm thể hiện một cử chỉ "đoàn kết" và "không có mối liên hệ nào với các khía cạnh chính trị" của cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn một tuyên bố Bộ Ngoại giao Maroc cho hay "theo chỉ thị" của Quốc vương Mohammed VI, Maroc "quyết định sẽ gửi các máy bay chở thực phẩm tới Qatar".

Quyết định này được xem như cử chỉ "đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc Hồi giáo" trong tháng ăn chay Ramadan và "không có liên quan đến các khía cạnh chính trị của cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng khác".

Vốn có truyền thống quan hệ khăng khít với các nước vùng Vịnh Arab, Maroc ngày 11/6 đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng và "sẵn sàng cung cấp các cơ hội tốt" để tháo gỡ căng thẳng hiện nay, trong khi Quốc vương Mohammed VI "duy trì mối liên hệ chặt chẽ và liên tục với các bên".

Trong một tuyên bố mới nhất ngày 12/6, chính quyền Rabat giải thích lập trường của mình liên quan tới cuộc khủng hoảng "dựa trên mối quan hệ anh em chân thành" giữa Maroc và các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và "mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt" của Rabat với các nước này.

Lập trường này "không liên quan tới lập trường của các bên phi Arab muốn khai thác cuộc khủng hoảng này nhằm tăng cường vị thế của mình trong khu vực và phá hoại lợi ích tối cao của các nước này". Tuyên bố kết luận mối quan tâm chính của Maroc là "củng cố sự ổn định" của các nước GCC.

Hiện, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo sẽ cung cấp lương thực cho Qatar trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sau khi Saudi Arabia đóng cửa đường biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar. Hầu hết lương thực nhập khẩu của Qatar đi qua đường biên này.

* Trong khi đó, Italy và Qatar thỏa thuận sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về kinh tế và tài chính, bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh. Việc hồi tuần trước, Arabia Saudi, UAE và một số nước Arab khác quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và đi lại với Cata.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, thỏa thuận trên đạt được sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Sherif al-Emadi và Bộ trưởng Kinh tế Italy Pier Carlo Padoan ở Rome ngày 12/6. Trong một tuyên bố chung, hai bên cho biết “cuộc gặp đã diễn ra trong một bầu không khí khá thân mật, phù hợp với tình trạng quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước”.

Chuyến thăm Italy của Bộ trưởng Al-Emadi là một phần trong chuyến công du của ông đến một loạt thủ đô quan trọng ở châu Âu, với các chặng dừng chân kế tiếp là Paris, London, Berlin và tiếp đó là Washington.

Hồi tuần trước, các nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập, đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực", bất chấp việc Qatar bác bỏ.

Ngay sau đó, để ủng hộ quyết định của các nước này, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya và Maldives cũng có động thái tương tự. Căng thẳng tiếp tục leo thang ngày 9/6 khi Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào "danh sách khủng bố"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục